Ngày 29/3, hơn 400 nữ doanh nhân của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), từ các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp của người yếu thế, doanh nghiệp khởi nghiệp... đã tham gia hội thảo Tư duy lãnh đạo số cho nữ doanh nhân trên nhiều nền tảng. Sự kiện do Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) phối hợp với VAWE tổ chức.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong hơn 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt, có 24% là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bà Thuỷ đánh giá các nữ doanh nhân nỗ lực vượt khó đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội, dấn thân vào lĩnh vực thế mạnh của nam giới như cầu đường, công nghệ, logistics.
Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân IPSC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan chủ quản khởi động đầu năm nay.
Với số vốn 36 triệu USD, IPSC hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, thông qua cung cấp các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp đăng ký nhận gói hỗ trợ của dự án tại đây.
Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là việc bắt buộc phải làm. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị động, chưa biết bắt đầu từ đâu, tìm nguồn lực từ đâu, dùng công nghệ nào. Họ lo lắng nếu chọn nhà tư vấn và chương trình không phù hợp rất có thể bị rò rỉ thông tin, bà Thuỷ nêu thực trạng.
Vị này dẫn ra một khảo sát cho thấy gần 62% doanh nghiệp do nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, so với chỉ hơn một nửa số doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ có khả năng không sống sót sau đại dịch cao hơn 27% so với doanh nghiệp do nam làm chủ.
Bà Rathi Mani - Kandt, Trưởng phòng Chương trình Tăng cường Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ (CARE USA), chia sẻ về tác động của đại dịch tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), trong đó các doanh nghiệp do phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số và người di cư làm chủ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bà Rathi Mani - Kandt cũng chỉ ra những thách thức, rào cản hàng đầu đối với các MSME do nữ làm chủ. Theo bà, những doanh nghiệp này gặp hạn chế về thời gian xây dựng năng lực và đào tạo khi thiếu cơ hội networking, ít có thời gian cho các cơ hội nâng cao năng lực bởi đang gánh nhiệm vụ gia đình và chăm sóc trẻ em.
![Hội thảo Tư duy lãnh đạo số cho nữ doanh nhân tổ chức dưới hình thức trực tiếp và online. Ảnh: IPSC](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/03/30/2ee8b331e1662f387677-9745-1648629902.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C3mUTdH641qCdE4FkztCug)
Hội thảo "Tư duy lãnh đạo số cho nữ doanh nhân" tổ chức dưới hình thức trực tiếp và online. Ảnh: IPSC
Thứ hai, các nữ lãnh đạo doanh nghiệp cũng gặp thách thức về tiếp cận vốn, bởi nhiều ngân hàng cho rằng phụ nữ không thể tập trung vào công việc kinh doanh cho trách nhiệm chăm sóc gia đình gia tăng. Phụ nữ được nhìn nhận là khách hàng dễ có rủi ro hơn khách hàng nam giới. Đại dịch cũng làm gia tăng tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới, khi họ buộc phải thôi việc hoặc chuyển sang hinh thức làm việc ở nhà.
Được mệnh danh là nữ tướng FPT, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software chia sẻ, thách thức với nữ doanh nhân khi triển khai chuyển đổi số là cần nhiều kiến thức trong lĩnh vực. Phản ứng ban đầu của các chị em khi được giao nhiệm vụ là e dè việc khó, sợ không làm được, nhưng khi bắt tay vào làm thì kết quả rất tốt. Vì thế, bước 'phá băng', ra khỏi vùng an toàn này là rất quan trọng, bà Hà nói.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năm 2022, dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân (IPSC). Đây là dự án quy mô lớn, nội dung tổng thể nhằm hỗ trợ, nhằm tăng cường năng lực cho doanh nghiệp tiên phong và doanh nghiệp đang tăng trưởng, gồm cả doanh nghiệp nữ và nhóm yếu thế làm chủ, bà Bùi Thu Thuỷ cho biết.
Ông Đoàn Quốc Dũng, đại diện dự án IPSC, chia sẻ, dự án ra đời xuất phát từ trăn trở của doanh ngiệp vừa và nhỏ trước ma trận thông tin, các giải pháp công nghệ thay đổi từng ngày. Nhiều doanh nghiệp không tìm ra giải pháp phù hợp, phải thuê nguồn lực ngoài hoặc đầu tư xây mới hay thay đổi gây tốn kém. Các mong muốn số hoá bị bỏ ngỏ, đi theo con đường truyền thống.
![Ông Đoàn Quốc Dũng, đại diện dự án IPSC](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/03/30/ab64cb33b66778392176-6722-1648627674.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4tsVIZ6kMoCuhJxKDtTOqg)
Ông Đoàn Quốc Dũng, đại diện dự án IPSC. Ảnh: IPSC
Gói số hoá là một trong 7 gói hỗ trợ doanh nghiệp tổng thể trong dự án. Với gói số hoá hoạt động, dự án sẽ tập trung vào các nền tảng số, như quản trị khách hàng, nhân sự... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Dự án còn có mạng lưới các chuyên gia sẽ đánh giá nhu cầu số hóa của doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ đào tạo, thực hành, hướng dẫn doanh nghiệp tích hợp và đồng bộ các giải pháp số hoá từ marketing, quản lý, quản trị, nhân sự...
Ngoài các sự kiện đào tạo, tập huấn, hội thảo với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, các chính sách giảm giá, miễn phí dùng thử, trả góp sẽ dành riêng cho doanh nghiệp tham gia gói số hoá.
Bên cạnh gói số hoá, IPSC còn có nhiều gói hỗ trợ thiết kế theo nhu cầu doanh nghiệp như: Gói thích ứng và tăng trưởng, Gói mở rộng thị trường, Gói nâng tầm giá trị Việt, Gói nâng cao năng lực tài chính, Gói giá trị Việt vươn ra thế giới, Gói kết nối mạng lưới phát triển dịch vụ dành cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh...
Phong Vân