"Các quỹ đầu tư Nga chỉ muốn dồn tiền cho hoạt động kinh doanh tại Nga. Nhưng chúng tôi muốn gây dựng thương hiệu quốc tế. Và họ thì không hỗ trợ điều đó", Kulizhnikov - cựu chuyên gia phân tích tại hãng đầu tư Alor SPB cho biết trên Bloomberg. "Chúng tôi đâu có cần nhiều. Chỉ 5-10 triệu USD để thuê kỹ sư, chuyên gia và chi trả các khoản khác thôi", anh nói.
Kulizhnikov năm nay 22 tuổi và là người mới nhất trong làn sóng di cư của Nga, khi quan hệ giữa nước này với phương Tây ngày càng căng thẳng. Trong 8 tháng đầu năm, hơn 203.000 người đã rời khỏi nước Nga, nhiều hơn bất kỳ năm nào Tổng thống Vladimir Putin từng nắm quyền. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đánh vào khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của công ty Nga, và động thái siết quản lý trong nước của Chính phủ đã khiến nhiều doanh nhân và nhà đầu tư Nga phải tìm tới nơi khác.
Từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3, Pavel Durov - nhà sáng lập Vkontakte (Facebook của Nga) cũng đã rời quê hương để phát triển một mạng xã hội di động. Anh cho biết mình không sẵn sàng tuân theo quy định của Chính phủ về việc giao nộp thông tin cá nhân của người dùng Ukraine.
Game Insight - từng được Forbes xếp hạng là công ty Internet lớn thứ 7 tại Nga, cũng đã chuyển trụ sở từ Moscow sang Lithuania. Pavel Muntyan - nhà sáng lập hãng hoạt hình Toonbox cũng đã chuyển toàn bộ 15 nhân viên từ Moscow sang Cyprus.
"Nga là một trong các thị trường chính của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cho rằng thị trường này sẽ từ chối mình trong khoảng một đến hai năm tới. Người Nga cho rằng hoạt hình của chúng tôi không đủ chất Nga. Nhưng chúng tôi đâu muốn chỉ dành cho người Nga, chúng tôi hướng đến cả quốc tế cơ mà? Sao lại bó buộc nhau như thế?", Muntyan cho biết.
Herman Gref - CEO ngân hàng lớn nhất Nga - Sberbank cũng cho biết ngày càng nhiều công ty nộp đơn xin phép cho nhân viên định cư ở nước ngoài. "Trong nền kinh tế bây giờ, đơn xin phổ biến nhất lại là rời đi, chứ không phải là thành lập công ty. Cho đến khi chúng ta cải thiện môi trường, việc này sẽ chẳng thể thay đổi được đâu", Gref nói.
Để ngăn chặn chảy máu chất xám, nhà băng lớn nhì Nga - VTB đã chuyển trọng tâm đầu tư công nghệ từ Thung lũng Silicon về lại Nga. "California có quá nhiều tiền rồi. Chúng tôi nhận thấy Nga ngày càng có nhiều doanh nhân và sẽ tập trung vào thị trường này", Alexandra Johnson - Giám đốc Aurora - quỹ đầu tư của VTB tại Mỹ cho biết.
Rất nhiều nhà khoa học và kỹ sư đã rời bỏ Nga sau khi Liên Xô tan rã. Và ông Putin đã đặt ưu tiên hút lại số nhân lực này thông qua nhiều dự án, như Skolkovo - trung tâm công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon.
Với diện tích 4km2, nằm ở ngoại ô Moscow, trung tâm này dự kiến hoàn thành năm ngoái. Nhưng đến nay, Skolkovo vẫn là một công trường ngổn ngang, bụi bặm. "Skolkovo là ý tưởng tốt, được đầu tư mạnh. Nhưng sản phẩm đâu? Rõ ràng Chính phủ đã bỏ quên dự án này, và nguồn vốn quốc tế cũng đang tháo chạy", Pavel Cherkashin – Giám đốc quỹ đầu tư Vestor.In Partners cho biết.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Công ty quản lý tài sản Tiger Global và Bessemer Venture Partners là ba trong số các nhà đầu tư đã ngừng hoặc giảm hoạt động tại Nga. Bessemer thậm chí vẫn chưa rót một xu nào trong 20 triệu USD tuyên bố sẽ đầu tư vào Nga. "Tình hình địa chính trị tại đây chính là rào cản khiến môi trường đầu tư ở Nga kém hấp dẫn", đại diện công ty này cho biết.
Cherkashin đã rời Nga năm ngoái để tới San Francisco (Mỹ). Ông cho rằng môi trường tại quê hương "rõ ràng ngày càng tệ". "Vốn đầu tư luôn đi xuống mỗi khi có khủng hoảng hay bất ổn. Ở Nga, Ukraine và Belarus đều có nhân lực trình độ cao, nhưng họ có quá ít sự lựa chọn. Dĩ nhiên, họ đều muốn ra đi", ông nói.
Hà Thu