Papailiopoulou đang cố gắng tìm kiếm hy vọng cho việc kinh doanh của mình. Vài ngày sau khi cùng hai cộng sự người Hy Lạp tham gia trưng cầu dân ý, nhà thiết kế kiêm doanh nhân 33 tuổi này đã nhanh chóng quyết định tung ra chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm túi xách của mình. Cô đăng thông báo giảm giá trên Facebook và cố gắng tỏ ra lạc quan nhất có thể.
Khi khởi nghiệp vào năm 2009, mọi thứ có vẻ không tươi sáng lắm với Papailiopoulou. Đó là thời điểm Hy Lạp rơi vào tình trạng thất nghiệp tràn lan, kinh tế suy thoái, Chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, và nguy cơ ra khỏi EU đã lờ mờ xuất hiện.
Papailiopoulou mở cửa hàng tại Athens - nơi cô đã sinh ra. Quyết định của cô đi ngược lại xu hướng chung thời đó, khi người Hy Lạp ồ ạt di cư ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội ở những nền kinh tế thuận lợi hơn. Hơn 200.000 người, khoảng 2% dân số, đã rời quê hương từ khi khủng hoảng bắt đầu.
"Tôi nhớ nhà", cô chia sẻ, "Thế nên tôi chỉ muốn trở về với gia đình, bạn bè… và sống một cuộc đời bình thường".
Papailiopoulou ra nước ngoài từ năm 2000, đầu tiên là du học ở Anh và sau đó chuyển tới Italy để học tiếp. Tại đây, cô kiếm được công việc đầu tiên của mình là nhân viên thiết kế ở hãng thời trang cao cấp Bottega Veneta. Cuối cùng, cô đến New York và được nhận vào một công ty thời trang danh tiếng khác, nhưng đã từ chối. "Tôi rất nóng lòng xây dựng một cái gì đó của riêng mình. Và tối tự nhủ sẽ phải liều một phen", Papailiopoulou
"Mọi việc khá là khó khăn", Papailiopoulou kể về quyết định khởi nghiệp ở Hy Lạp, "nhưng tôi tin tưởng vào những gì mình làm. Tôi tin là mình đã đi đúng hướng". Những câu chuyện của các doanh nghiệp đi trước là minh chứng cho tính quan liêu khó chữa của Chính phủ. Đây là những trở ngại dai dẳng, bên cạnh một nền kinh tế đang dần lụn bại bởi nợ nần, làm thui chột tinh thần của doanh nhân. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chỉ ra khởi nghiệp chính là yếu tố quan trọng cho tương lai đất nước trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu vừa qua.
Đương nhiên, câu chuyện của Papailiopoulou không phải là trường hợp duy nhất. Các doanh nghiệp nhỏ mọc lên trong thời kỳ khủng hoảng chủ yếu là các nhà thiết kế thời trang, công ty rượu và người trồng ô-liu với mong muốn cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, diễn biến trong tuần qua đã khiến các tiểu thương lo lắng ra mặt. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
Với tất cả sự tự tin và nỗ lực, Papailiopoulou vẫn quyết định chống chọi với thực tế khi các chính sách kiểm soát vốn đang được thực thi, ngân hàng vẫn đóng cửa và khách hàng thì thưa thớt. "Tuần trước mọi thứ vẫn còn tạm chấp nhận được. Nhưng đến hôm nay thì thực sự là tồi tệ", cô chia sẻ.
Papailiopoulou đã bỏ phiếu "Đồng ý" với các điều khoản thắt lưng buộc bụng của chủ nợ. "Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi mở cửa hàng ở Syntagma - khu vực trung tâm mua sắm của Athens. Hôm qua có hai khách du lịch và hôm nay là một người phụ nữ ghé vào mua đồ. Tôi đã cực kỳ bất ngờ. Bà khách còn hứa nếu Hy Lạp quay lại sử dụng đồng drachma vào thứ hai tuần sau, thì bà ấy sẽ mua túi của tôi", cô nói.
Trước cuộc trưng cầu dân ý, Papailiopoulou còn rất lạc quan. Nhưng chỉ ngay sau đó, cô đã bắt đầu lo lắng. Đột nhiên cô nhận ra rằng mình phải có phương án dự phòng, điều mà trước đây cô chưa bao giờ nghĩ tới. Liệu nhà cung cấp da ở Italy và nhà cung cấp website của Mỹ có cho cô nợ hay không? Và cũng như những doanh nhân khác trên khắp đất nước, một câu hỏi tất yếu luôn khiến Papailiopoulou canh cánh trong lòng: Liệu cô có phải rời Hy Lạp một lần nữa?
"Chúng tôi là những người trẻ và sáng tạo - tuổi trẻ sẽ ra đi, nhưng trí sáng tạo luôn ở lại. Và tôi sẽ không ngừng làm việc này", Papailiopoulou chia sẻ, "Trước giờ tôi vẫn luôn cho rằng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Vì thế, sẽ thật buồn nếu nơi này không còn cơ hội nào cho tôi".
Hà Tường (theo Bloomberg)