Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa
Nông nghiệp Việt Nam từ xưa đã có khuynh hướng quy thành quả mọi thứ ra thóc. Chẳng hạn như trồng một hecta lúa, nuôi một con heo, thu hoạch 10 gốc cà phê... đều quy ra bao nhiêu tạ thóc. Điều này hình thành nên hình thái nông nghiệp quy ra lượng, không hề nói đến chất.
Đến tận bây giờ, nông dân và kể cả nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn tư duy quy ra lượng. Người ta hay nói năm nay xuất khẩu bao nhiêu tấn cà phê, bao nhiêu tấn cá tra... mà không hề nói xuất với giá trị bao nhiêu, xuất ở dạng thô, chế biến tinh hay là sản phẩm sau cùng. Nếu chúng ta cứ tiếp tục xuất khẩu thô hoặc chạy theo số lượng, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đến lúc không còn bất cứ lợi thế cạnh tranh nào ngoài việc cố gắng hạ giá bán.
Sản phẩm nông nghiệp nếu ở dạng thô (chưa qua chế biến) hoặc chế biến đơn giản có giá trị rất thấp. Ví dụ, chúng ta cần đến 10kg mía để tạo ra 1kg đường có giá 13.000-16.000 đồng. Cũng 10kg mía, nếu dùng để sản xuất ra chất kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản, giá trị của nó có thể lên đến 300.000 đồng. Để tạo ra giá trị gia tăng đó, chúng ta bắt buộc phải có chất lượng, có nghiên cứu - phát triển và có thương hiệu bền vững. Chỉ những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn mới có khả năng làm được việc này.
Một vấn đề khác, chúng ta hay nói đến tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Đây là quy luật cung cầu của cơ chế thị trường hoàn hảo. Nhưng không thể áp dụng cơ chế thị trường hoàn hảo để điều tiết ngành nông nghiệp, ngay cả ở các nước phát triển trên thế giới. Thay vào đó, nhà nước có thể can thiệp bằng quy hoạch cây trồng và vật nuôi theo trọng điểm, theo xu hướng của thế giới. Từ đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp theo vùng giúp chủ động được đầu ra.
Ngoài ra, bảo hiểm nông nghiệp là yếu tố cần thiết được nhiều quốc gia thực hiện. Khi bị mất mùa, bảo hiểm giúp người nông dân tái đầu tư. Nếu được chính phủ tạo điều kiện, công ty bảo hiểm tư nhân hoặc của nhà nước đều có thể tham gia. Ví dụ như ở bang Minnesota (Mỹ), khi giá lúa mì xuống thấp, người nông dân hưởng chính sách bảo hiểm từ chính phủ nên không cần gieo trồng mà vẫn đảm bảo cuộc sống ổn định. Khi nguồn cung giảm đi, giá lúa mì lập tức tăng lên, cân bằng thị trường trở lại. Ở Việt Nam, Tập đoàn TTC cũng đã áp dụng bảo hiểm giá mía từ nhiều năm nay. Những năm được mùa, công ty không ép giá người nông dân. Còn thời điểm cây mía khó khăn, TTC đảm bảo cho người nông dân có mức thu nhập tối thiểu để tiếp tục tái đầu tư, gắn bó lâu dài cùng cây mía.
Có thể thấy, khi làm tốt chính sách quy hoạch vùng và bảo hiểm nông nghiệp, người nông dân sẽ không bị cuốn vào điệp khúc đổ xô đi trồng giống cây đang lên giá hoặc quay lưng với vật nuôi đang xuống giá. Nhưng với nền sản xuất tiểu nông, việc áp dụng các chính sách này cũng rất khó khả thi. Ở đây, vai trò của những doanh nghiệp lớn một lần nữa là cần thiết, vì chỉ họ có đủ sức tập hợp - liên kết nông dân cũng như hỗ trợ nhà nước trong xây dựng thương hiệu vùng và bảo hiểm nông nghiệp.
Khi đã xác định được sự cần thiết của các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, tôi cho rằng, điều quan trọng trước tiên là chúng ta hãy nhìn họ với con mắt thiện cảm. Lâu nay chúng ta cứ gắn từ "độc quyền" với các doanh nghiệp đầu ngành, nhưng độc quyền làm sao được khi chính sách và cung - cầu vẫn do nhà nước quản lý. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta thay đổi tư duy, mạnh dạn tháo gỡ những rào cản, khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế đất nước.
TTC đẩy mạnh đầu tư công tác nghiên cứu phát triển giống mía thông qua Công ty CP Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công. Chúng tôi mong muốn được xem như một viện nghiên cứu của nhà nước vì các thành quả của công ty tạo ra không chỉ cho cây mía TTC mà còn cho ngành mía đường Việt Nam.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit
Chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm 3 khâu canh tác, bảo quản - chế biến và tiêu thụ. Trong mỗi khâu, chúng ta đều có những mâu thuẫn, cản trợ sự phát triển bền vững của cả ngành.
Thứ nhất là khâu canh tác, người nông dân đang sử dụng phương pháp canh tác đi ngược với mong muốn của người tiêu dùng. Một bên yêu cầu nông pháp sinh học để tạo ra sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Một bên sử dụng nông pháp hóa học, hướng đến số lượng và giá rẻ. Gần đây, nhiều người đưa công nghệ vào canh tác và quảng bá rầm rộ làm người tiêu dùng nhầm lẫn. Nếu trồng trọt bằng thuốc hóa học mà sử dụng công nghệ thì nó vẫn là biện pháp hóa học.
Thứ hai, khâu bảo quản và chế biến cũng có vấn đề. Thực phẩm chế biến công nghiệp thường sử dụng quá nhiều phụ gia, chất bảo quản, thậm chí là cả những chất độc, chất cấm. Trong khi người tiêu dùng mong muốn thực phẩm chế biến bằng phương pháp sinh học, không chất độc hại.
Và cuối cùng là khâu bán ra thị trường. Người tiêu dùng nói thì yêu cầu sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe; nhưng khi mua thì vẫn ưu tiên cho giá rẻ và hình thức đẹp bên ngoài. Theo kinh nghiệm của tôi, thứ rẻ và đẹp thì không thể nào sản xuất bằng phương pháp sinh học được. Một miếng xoài màu nâu, quăn queo mới là xoài sấy sinh học. Còn một miếng xoài vàng ươm, dẻo trong thì chắc chắn phải được định hình bằng loạt phụ gia.
Trong cả ba khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp đều cần vai trò của doanh nghiệp dẫn dắt thị trường. Họ là người tiên phong sử dụng phương pháp sinh học trong khâu canh tác, chế biến - bảo quản và giáo dục người tiêu dùng. Bởi chỉ những thương hiệu đủ lớn, đủ uy tín mới có thể thuyết phục người tiêu dùng tin và đi theo.
Để tạo ra những doanh nghiệp này, thị trường cần sự vào cuộc của 3 bên gồm Chính phủ, các hiệp hội và doanh nghiệp. Ba thành phần này phải cùng làm việc với nhau để đưa ra một giải pháp chung.
Trong đó, cái quan trọng nhất, theo tôi, là các giải pháp truyền thông để người tiêu dùng hiểu thế nào là sinh học, thế nào là hóa học. Khi người tiêu dùng đã hiểu rõ, thì chính họ sẽ là người tạo ra các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.
Bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty Ba Huân
Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng đặc thù sản xuất còn nhỏ lẻ, trong bối cảnh hội nhập và phát triển toàn cầu rất cần phải có những doanh nghiệp đi tiên phong trong các lĩnh vực cụ thể.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, năm 2003, khi đại dịch cúm gia cầm bùng phát, tôi quyết tâm đi khắp thế giới tìm hiểu và quyết định nhập thiết bị từ Hà Lan về xử lý trứng gia cầm. Sau đó là nhập con giống, thiết bị chuồng trại, mở ra mô hình chăn nuôi theo đúng quy chuẩn quốc tế "Sạch từ trang trại đến bàn ăn". Nếu không mạnh dạn, không quyết tâm, trở thành những người dẫn đầu trong việc công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm thì rất khó có những kết quả như ngày hôm nay.
Tương tự các chăn nuôi thì trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cũng vậy, tiếp cận khoa học kỹ thuật, đầu tư sức người, sức của cho nông nghiệp rất lớn mới có thể thay đổi được diện mạo nông nghiệp, nông thôn theo kịp đà phát triển.
Các doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp, đặc biệt là đơn vị tiên phong về vấn đề sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, rất cần một nguồn vốn lớn, lãi suất ưu đãi. Không thể tính lãi suất với nông nghiệp tương tự các ngành khác được vì nó đòi hòi sự đầu tư lớn, dài hạn và mang đến nhiều tác động tích cực cho người sản xuất, cho cộng đồng.
Mặt khác là sự hỗ trợ từ truyền thông.Chúng ta thấy thông tin liên quan đến thực phẩm bẩn, không an toàn thì đăng tải rất nhiều, tần suất dày đặc, trong khi những cái an toàn thì không được nhắc đến. Điều này làm người tiêu dùng hoang mang, thiếu niềm tin vào thực phẩm. Theo tôi, cần có sự cân bằng trong truyền thông, cảnh báo người tiêu dùng về sản phẩm bẩn nhưng đồng thời cũng giúp họ nhận biết đâu là thực phẩm sạch, an toàn.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng nhà nước đã có sự quan tâm rất to lớn với nông nghiệp, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp muốn phát triển phần nhiều là tự thân và dấn thân bằng tất cả đam mê. Bởi muốn đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nguồn vốn phải lớn, nhưng lợi nhuận rất mỏng, thậm chí huề vốn hoặc lỗ.
Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May
Làm nông chia thành 3 công đoạn chính: chọn giống loài, quá trình canh tác và tiêu thụ. Trồng cây gì, nuôi con gì thì có lẽ người bán chọn sẽ đúng hơn nhà nông, vì họ là người của thị trường. Canh tác theo cách nào, thì cần hỏi thêm: "Để làm gì?" Điều này cũng cần có dữ liệu về thị trường, vì nó quyết định giá bán, lời lỗ. Còn tiêu thụ như thế nào, chắc chắn là chuyện của thương gia rồi.
Nông nghiệp, về nguyên tắc không khác lắm so với sản xuất của doanh nghiệp, tức là cũng cần kiểm soát cả 3 khâu: nguyên liệu đầu vào (giống, loài), phương tiện sản xuất (đất, nước) và sau đó là tiêu thụ. Để có nền nông nghiệp "ngon lành", tôi nghĩ, trọng trách đó nếu doanh nghiệp nhận lãnh sẽ khả thi hơn các bên còn lại.
Nhận lãnh ở đây là gắn kết quả kinh doanh của mình vào việc tham gia điều phối chuỗi giá trị nông nghiệp. Để làm được điều đó, trước hết, doanh nghiệp cần sự thấu hiểu từ phía Chính phủ và nông dân, để kiến tạo niềm tin, chia sẻ những lợi thế của nhau. Đó sẽ là động lực thúc đẩy rất lớn cho doanh nghiệp, và "những con chim đầu đàn" sẽ từ đó mà ra.
Muốn có những doanh nghiệp đầu ngành dẫn dắt, trước hết chúng ta cần xác lập niềm tin cùng với nhau trước. Chẳng hạn, trong ngành lúa gạo, mùa thu hoạch lúa vừa qua, giá lúa rớt thê thảm. Nếu doanh nghiệp nhảy vào thu mua sẽ bị tiếng "làm giá" rồi mới mua, còn không mua thì tình cảnh đó phải làm sao? Cứ ngờ vực như vậy, hy vọng gì vào sự chung tay bây giờ!
Bà Nguyễn Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT)
Một trong những vấn đề lớn nhất của nông sản Việt Nam là hạn chế về công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Vì nông sản tươi chỉ có thể tiêu thụ trị trường gần, hoặc cùng lắm là xuất sang Trung Quốc với giá trị thấp. Gần đây, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu các loại trái cây ra những thị trường xa như EU hay Mỹ, nhưng vì hàng tươi nên chủ yếu qua đường máy bay. Nhược điểm của nó là chi phí cao và sản lượng thấp, không thể tạo ra những vùng sản xuất lớn.
Trong khi những doanh nghiệp lớn thường sở hữu nguồn vốn mạnh, công nghệ hiện đại, có khả năng thuê các chuyên gia giỏi từ nước ngoài cũng như đầu tư tạo đột phá. Ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã đi tiên phong trong công nghệ chế biến, tạo ra giá trị gia tăng và mở những thị trường xuất khẩu mới cho nông sản Việt Nam. Điều này giúp tạo tạo nên vùng sản xuất nguyên liệu, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của nền nông nghiệp nói chung.
Vậy làm thế nào để tạo ra những doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường? Nếu nói về cơ chế hay chính sách, thì chúng ta không thiếu các nghị định hay thông tư khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Đó đây trong những quy định này còn có những cái bất cập, nhưng nhìn chung là đã có sự quan tâm lớn với chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện.
Cái quan trọng hơn là chúng ta cần thay đổi cách hiểu về thị trường. Quan niệm phổ biến hiện nay vẫn coi thị trường là bán hàng. Do đó, có không ít doanh nghiệp lớn đặt vấn đề với AFT, làm ra nông sản đạt tiêu chuẩn rồi chúng tôi xuất khẩu. Nhưng nông nghiệp không chỉ cần bán hàng, nông nghiệp cần một sự phát triển bền vững và dài lâu. Vì thế các "đại gia" nông nghiệp cần chung sức, chung lòng, hỗ trợ nông dân, cùng nông dân xây dựng nội lực của cả cộng đồng, như vậy mới có thể phát triển bền vững.
Qua kinh nghiệm các nước trên thế giới, tôi thấy, giải pháp tốt nhất là tập hợp tất cả các bên, gồm nông dân, thương lái, doanh nghiệp cùng sản xuất - kinh doanh một loại sản phẩm vào một tổ chức cộng đồng, hình thức tổ chức thích hợp là hiệp hội ngành hàng. Có rất nhiều vấn đề chung của mỗi ngành hàng, vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp đơn lẻ, kể cả đó là doanh nghiệp rất lớn như: vấn đề giống và bảo vệ nguồn giống, kỹ thuật sản xuất, nhân lực, môi trường, phát triển thị trường... Sự tham gia của các bên vào một "sân chơi" sẽ tạo ra cộng đồng có tiếng nói và có sức mạnh tự thân trong việc xây dựng niềm tin với người tiêu dùng và khai phá thị trường.
Một ví dụ về câu chuyện phát triển cá hồi của Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản Na Uy (NSC). Đây là một tổ chức độc lập thành lập theo luật định. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cá hồi Nay Uy phải đạt các điều kiện kiện do NSC quy định, phải tham gia NSC và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng quỹ phát triển thị trường chung cho cá hồi, với khoản tiền tùy thuộc vào giá trị xuất khẩu hàng năm của mỗi doanh nghiệp.
Quỹ phát triển thị trường của NSC đã hoạt động rất hiệu quả trong việc mở thị trường mới. Tại Nhật - nơi mà người tiêu dùng hàng trăm năm qua chỉ ăn cá hồi khai thác biển, không thích cá hồi nuôi - NSC đã thuê các đầu bếp Nhật Bản chế biến món ăn bằng cá hồi nuôi Na Uy, phát mẫu thử miễn phí cho người tiêu dùng. Họ còn phát hành rất nhiều sách về công thức nấu nướng cá hồi nuôi Na Uy, do chính các đầu bếp nổi tiếng của Nhật hướng dẫn trên các kênh truyền thông. Nỗ lực, kiên trì trong nhiều năm đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, Nhật trở thành nước nhập khẩu quan trọng cá hồi Nauy. Rõ ràng, doanh nghiệp dù lớn đến mấy cũng không thể một mình làm những việc ấy, phải là sức mạnh của cả cộng đồng.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Binance, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group. |
Ánh Thúy