![]() |
Chơi bài giải trí và đánh bạc - ranh giới rất mong manh. Ảnh: PNVN. |
"Thương trường khốc liệt, lợi nhuận được coi là chuyện sống còn, nhiều doanh nhân nhìn nhận trò đánh bạc là cái thú xa xỉ của những người lắm tiền nhiều của, tiến thân một cách quá dễ dàng", người đại diện cho cộng đồng doanh nhân VN nhấn mạnh.
Cả nước có 250.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lợi nhuận không cao, thị trường lại cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, chuyện các doanh nghiệp bỏ thời gian, công sức tiền bạc vào những canh bạc theo ông Túc rất hy hữu.
Cùng chung quan điểm này, Phó chủ tịch Hội dệt may Thêu đan TP HCM - Diệp Thành Kiệt cho rằng, cần nhìn nhận đối tượng đánh bạc ở đây là ai, động cơ đằng sau đó là gì. Là người đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp dệt may, ông Kiệt cho rằng thời gian qua, ngành dệt may VN đứng trước nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, công việc kinh doanh được coi là vấn đề sống còn.
"Tôi được biết, rất nhiều lãnh đạo đơn vị dệt may một ngày làm tới 14 giờ, mài mặt với nhà xưởng. Xa xỉ lắm cũng chỉ mời bạn bè đi uống cà phê, vài vại bia nhậu. Ngay cả chơi chứng khoán còn ngố nói chi đến việc đốt tiền vào các canh bạc", ông Kiệt nói.
Ông Kiệt cho biết sẽ kiến nghị VCCI định nghĩa lại hai từ doanh nhân để phân biệt rõ tư cách, đạo đức của những người khoác chiếc áo này. Theo ông, phần lớn những người được gọi là doanh nhân đều ý thức rất rõ về công việc và các khoản tiền mà họ phải đổ mồ hôi công sức ra để kiếm.
"Hầu hết những vụ đánh bạc bị phát giác đều có những bê bối đằng sau như tham nhũng, dùng tiền ngân sách bừa bãi... Không thể để một số cá nhân như vậy khoác tấm áo doanh nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo các doanh nghiệp khác", ông nhấn mạnh.
Phó tổng giám đốc một công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản ở Hà Nội cũng cho rằng, chuyện bài bạc trong giới doanh nhân là có thật song không phải là hiện tượng phổ biến. "Trò xa xỉ này chỉ xảy ra với những người kiếm tiền dễ dàng. Còn những người hiểu giá trị đồng tiền mà mình kiếm được sẽ rất thận trọng và cân nhắc trong chi tiêu", ông này nhấn mạnh.
Dễ bị cám dỗ
Trên thực tế, kể từ vụ án Tổng giám đốc PMU18 - Bùi Tiến Dũng tham gia đường dây đánh bạc bị đưa ra ánh sáng, cơ quan công an đã phát hiện thêm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước cá độ và sát phạt lẫn nhau. Hiện tượng xảy ra phổ biến đến mức, Thứ trưởng Bộ Công an - Lê Thế Tiệm phải thốt lên với báo giới rằng: "Doanh nhân đánh bạc có xu hướng gia tăng". Theo Thứ trưởng, các đường dây đánh bạc đang lôi kéo nhiều thương nhân tham gia, nếu việc này không được ngăn chặn sẽ khiến họ khuynh gia bại sản.
Giám đốc một công ty xây dựng nhà nước lớn tại Hà Nội cũng thừa nhận, tình trạng bài bạc trong giới xây dựng đang diễn ra khá phổ biến, nhất là trong những dịp vui chơi, nghỉ mát. Nhiều người chơi chỉ để giải trí, nhưng cũng có trường hợp sát phạt bằng tiền. Chính vì là thú vui nên nhiều người dễ bị cám dỗ. "Bản thân tôi cũng rất nhiều lần bị nhân viên dưới quyền kích rằng làm sếp mà không biết cảm nhận sự sung sướng khi đánh bài", ông nói. Theo ông này, vì ranh giới giữa giải trí và bài bạc chưa rõ ràng nên không thể đặt lệnh cấm nhân viên tham gia.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thì cho rằng khi đã ngồi với nhau bên xới bạc, chẳng ai có thể dám chắc là giải trí hay sát phạt nhau vì ranh giới rất mong manh. Do vậy, nói doanh nhân là đối tượng dễ bị lôi kéo cũng không sai vì họ là những ông chủ doanh nghiệp và có nhiều tiền.
"Nói chung để tránh rơi vào vòng lao lý, tốt hơn hết là biết từ chối ngay từ đầu vì cái trò bài bạc đã chơi là mê, mê rồi khó dứt. Thua thì cay cú muốn gỡ lại, thắng thì muốn thắng nữa", ông nói.
Vị phó tổng này cũng thừa nhận hồi còn là sinh viên trò tá lả, ba cây được ông và những người bạn trong ký túc xá sử dụng để phân công nhau dọn phòng, giặt quần áo... Khi đi làm rồi trong những cuộc vui, anh em cơ quan cũng quây thành từng nhóm chơi vui vẻ, nếu có đánh bằng tiền cũng vài ba chục nghìn chứ không sát phạt nhau bằng tiền triệu hay cầm cố các vật dụng khác.
"Sau hàng loạt các vụ đánh bạc bị phát hiện, tôi hiểu rằng đôi khi chỉ là trò giải trí thôi cũng có thể dẫn đến hành vi phạm luật. Hơn nữa, bài bạc là môn mà Nhà nước cấm do vậy, tốt hơn hết để tránh sa sẩy thì không nên dây vào", ông này nhấn mạnh.
Tổng thư ký VCCI Phạm Gia Túc một mặt khẳng định chuyện doanh nhân đánh bạc chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, song ông cũng kịch liệt phản đối thú giải trí này. Theo ông, doanh nhân ngoài công việc, họ cần được nghỉ ngơi và tham gia các trò vui chơi giải trí lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng dùng cờ bạc để giải trí hay sát phạt nhau đều là hành vi không thể chấp nhận.
Một số vụ đánh bạc liên quan đến giám đốc doanh nghiệp: Sáng 18/8 vừa qua, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an cùng Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang 9 cán bộ Tổng công ty Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) đang đánh bạc tại khách sạn An Phú. Tang vật thu 1.100 USD cùng hơn 150 triệu đồng. Ngày 7/8, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (PMU 18) đã bị tuyên án 6 năm tù do bị kết tội đánh bạc hơn 12 tỷ đồng và phạt thêm 7 năm tù vì “chạy án”. Hiện ông Dũng còn tiếp tục phải đối mặt các hình phạt khác, trong 2 vụ án nữa chưa được đưa ra xét xử. Ngày 4/1, nguyên Tổng giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí (OSC Việt Nam) - Nguyễn Văn Toản đã phải đứng trước vành móng ngựa về tội tham ô tài sản Nhà nước. Từ tháng 4/2004 đến tháng 5/2005, ông Toản đã dùng hơn 1 tỷ đồng của công ty cho 10 lần đi công du nước ngoài và 6 lần vào casino để đánh bạc. Ngày 20/2/2006, Giám đốc NXB Nghệ An - Trần Trọng Tân cũng bị khởi tố về tội đánh bạc. |
Châu Anh