Cục Thuế tỉnh Nghệ An hôm 20/12, yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), tạm hoãn xuất cảnh với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, địa chỉ tại số 2A, đường Lê Mao, TP Vinh.
Bà Thành sinh năm 1960, thường trú tại Thành phố Vinh, Nghệ An, là người đại diện pháp luật của Công ty Thiên Minh Đức - doanh nghiệp xăng dầu đang bị cưỡng chế hành chính do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/12/2023 đến khi hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo số liệu công khai của Cục thuế Nghệ An, tính đến 30/11, Thiên Minh Đức đứng đầu danh sách nợ thuế của thành phố với số nợ hơn 950 tỷ đồng.
Tập đoàn đa ngành này thành lập hơn 20 năm, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng. Thiên Minh Đức cũng là chủ sở hữu thương hiệu vận tải biển DKC Shipping, các công ty con là Công ty Trung Long và nhà máy Thiên Phú sản xuất giấy, bao bì. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi.
Theo giới thiệu của tập đoàn này, lĩnh vực xăng dầu là trụ cột quan trọng làm nên tên tuổi của doanh nghiệp, khi là công ty đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và khí hóa lỏng có quy mô lớn ở Bắc Trung Bộ. Năm 2022, Thiên Minh Đức có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Cơ cấu cổ đông sáng lập của Thiên Minh Đức gồm bà Chu Thị Thành nắm hơn 68,25% cổ phần; ông Chu Đăng Khoa hay còn được gọi "đại gia kim cương" là con trai bà Thành, nắm hơn 31,65% cổ phần. Còn lại 0,1% là ông Vương Đình Quán.
Doanh nghiệp này vừa thay đổi đăng ký kinh doanh cuối tháng 9/2023, có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bà Chu Thị Thành nắm 77,15%; "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa nắm 22,77% và ông Quán nắm 0,08%.
Nhiều chủ doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế gần đây cũng bị cục thuế các địa phương tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế số tiền lớn.
Ngoài việc tạm hoãn xuất nhập cảnh, khi người nộp thuế bị cưỡng chế, cơ quan thuế cũng sẽ áp dụng các biện pháp khác như: trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước ngân hàng, yêu cầu phong toả tài khoản; thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Bộ Tài chính, trước kia khi chưa được bổ sung thẩm quyền này, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã "cao chạy xa bay" trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên để chống thất thu ngân sách nhà nước và thu hồi số thuế nợ đọng từ các doanh nghiệp chây ỳ, quy định này là cần thiết để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn.
Quỳnh Trang