Khoảng 23% doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại. Tỷ lệ này thấp hơn Campuchia và Philippines với hơn 30% và cao hơn một số nước Đông Nam Á khác như Lào, Malaysia và Thái Lan. Đây là một trong những kết quả đáng chú ý trong nghiên cứu có tên “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ” mà Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố.
“Dữ liệu cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất của mình không kém gì các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác trong khu vực, nhưng lại hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới và có chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có ra thị trường”, báo cáo nhận xét và cho rằng nguyên nhân bởi doanh nghiệp Việt cải tiến sản phẩm nhằm mục tiêu chính chỉ là cắt giảm chi phí sản xuất.
WB nhận xét, trong khi một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp Việt tuyên bố chi tiêu cho R&D, thì tỷ trọng số tiền trung bình thực chi trên tổng doanh thu vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác. Đồng thời, tương đối ít các doanh nghiệp đầu tư vào những kiến thức đã được cấp phép hay cấp bằng sáng chế để hỗ trợ cho những nỗ lực đổi mới.
Cụ thể, mức chi trả cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang kém hơn một chút so với Campuchia và cũng không cao so với nhiều nước Đông Nam Á. Theo đó, các doanh nghiệp Việt chi 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 1,9%. Đáng chú ý, doanh nghiệp Lào chi đến 14,5% doanh thu hàng năm cho R&D. Tỷ lệ này ở một số nước như Philippines là 3,6% và Malaysia là 2,6%.
Báo cáo cũng cho hay, các doanh nghiệp vừa và lớn đổi mới nhiều hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. 26% công ty vừa và lớn tuyên bố chi cho R&D trong khi chỉ có 9% doanh nghiệp nhỏ có đầu tư vào hoạt động này.
Khoảng 20% doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố đào tạo cho các nhân viên của họ để phát triển và giới thiệu sản phẩm hay quy trình mới. Tỷ lệ này cao hơn Lào, Malaysia, Thái Lan nhưng một lần nữa lại thấp hơn Campuchia và Philippines.
Tổng quan, các mức độ về đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, tỷ lệ chi cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam đều rơi vào mức trung bình tại Đông Nam Á. Trong đó, các doanh nghiệp Campuchia đang năng động hơn doanh nghiệp Việt trong các hoạt động này. Doanh nghiệp Lào dù chưa có tỷ lệ ra sản phẩm mới cao bằng doanh nghiệp Việt nhưng triển vọng tương lai là đáng chú ý khi tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên doanh thu khá cao.
Theo nhiều chuyên gia, sức ép về tiếp thu công nghệ mới và sáng tạo đối với doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng cao trong Cách mạng 4.0 nếu không muốn tụt hậu so với các nước lân cận.
“Chúng ta nếu muốn bước lên nấc thang cao hơn chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thì vấn đề then chốt là công nghệ và sáng tạo. Cách mạng lần thứ tư đang làm cho ranh giới giữa công nghiệp chế tạo và dịch vụ ngày càng mờ nhạt. Ví dụ như cách làm của Apple. Họ có sản phẩm là chiếc iPhone, là kết quả của công nghiệp chế tạo nhưng thật ra họ làm dịch vụ là chính, nguồn thu của họ từ các dịch vụ do hệ sinh thái mà chiếc điện thoại tạo ra là rất lớn”, ông Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện hàn lâm Khoa học xã hội nhận định.
“Những công ty địa phương ở Việt Nam cần phải nâng cao năng lực công nghệ của mình. Chúng tôi trước đây cũng không có công nghệ tiên tiến như bây giờ mà chúng tôi cũng phải đi học từ Đài Loan và Nhật Bản. Chuyện học hỏi không phải một sớm một chiều mà phải qua từng bước, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Jang Yoonho - Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác Trung tâm mua hàng Việt Nam của Samsung Electronics Vietnam khuyến nghị về tính cấp thiết phải học công nghệ mới nhằm có thêm cơ hội làm ăn với công ty này.
Viễn Thông