Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Lê Chí Hiếu cho biết, trước thực tế thị trường bất động sản bị ngưng trệ, doanh nghiệp đã quyết định chọn hướng kinh doanh mới là ngành nông lâm sản và phân bón để bổ trợ cho lĩnh vực chính. Dự kiến trong năm nay, Công ty sẽ ký nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lâm sản, mỗi hợp đồng trị giá trên 10 triệu USD".
Theo ông Hiếu, so với bất động sản, có thể nông nghiệp lợi nhuận thấp hơn nhưng lại cần ít vốn hơn, rủi ro thấp hơn và nếu "ăn chắc mặc bền" sẽ đảm bảo có lợi nhuận.
Tương tự, Công ty Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền cũng đã tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư và Thương mại Ascentro để kinh doanh nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.
Tập đoàn Hưng Thuận, chủ đầu tư các dự án bất động sản và khu công nghiệp, cũng thành lập Công ty Đầu tư sinh thái Vina Yến để đầu tư nuôi yến, trồng lan và nuôi cá tại tỉnh Long An. Chia sẻ lý do đầu tư, ông Lâm Trúc Nhỏ, Chủ tịch HĐQT Vina Yến, cho biết: "Doanh thu từ nuôi chim yến cao và ổn định. Đặc biệt, triển vọng cho việc xuất khẩu rất lớn do nhu cầu sử dụng tổ yến không ngừng gia tăng tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản".
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp đang có lợi thế do Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải nhập khẩu gần 3 tỷ USD nguyên liệu bắp, đậu tương, bột cá... Đây là một thị trường lớn đang có sẵn đầu ra của cây nông nghiệp ngắn ngày nên Đức Long Gia Lai không bỏ qua cơ hội này. Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Tân Tạo cũng công bố thành lập Công ty Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm.
Mới đây, tại đại hội cổ đông, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố "nông nghiệp sẽ góp hơn 50% trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn trong năm 2014". Cơ sở để HAGL tuyên bố xuất phát từ niềm tin vào nông nghiệp và thực tế đầu tư. Năm 2013, mảng nông nghiệp đã chiếm tỷ suất trên 60% doanh thu của Tập đoàn.
Trước đó, khi chuyển hướng nhà máy sữa Trường Xuân vào sản xuất sữa đậu nành, Công ty Vinasoy đã đẩy mức doanh số lên 90 lần sau 10 năm, từ 20 tỷ đồng năm 2001 lên hơn 1.900 tỷ đồng năm 2012. Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy, cho biết, có được thành công này là nhờ chiến lược tập trung vào cây đậu nành và khai phá tiềm năng kinh doanh trong lĩnh vực này.
Chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp xác định đầu tư theo mô hình công nghệ cao song lĩnh vực này đòi hỏi phải có tài chính mạnh và quỹ đất lớn.
Phân tích hiệu quả đầu tư nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: "Làm nông nghiệp muốn đạt năng suất cao phải áp dụng công nghệ cao, cơ giới toàn bộ". Hoàng Anh Gia Lai ứng dụng công nghệ cao ngay cả trước khi xuống giống cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Điều này giúp chi phí giá thành giảm xuống mức thấp nhất. Chẳng hạn, chi phí chặt mía của tập đoàn chỉ 30.000 đồng/tấn so với 200.000 đồng/tấn tại Việt Nam như hiện nay.
Tương tự, dự án TH true Milk tại Nghĩa Đàn, Nghệ An cũng đã biến một vùng đất hoang hóa thành vùng nguyên liệu trù phú, tăng hiệu quả kinh tế của một ha đất lên gấp nhiều lần nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại. Các nhà máy của doanh nghiệp này đều ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, các chuyện gia cho rằng Việt Nam còn thiếu các chính sách đột phá về tín dụng và cơ chế đất đai để hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật cao. Theo ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia tư vấn thương hiệu và đầu tư nông nghiệp, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn. Đó là chưa nói đến hàng loạt các rào cản khác như chính sách thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức. Việt Nam cũng chưa có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Ngành dịch vụ phụ trợ cũng như vấn đề con người trong những lĩnh vực này còn thiếu và yếu, cơ chế hoạt động còn manh mún và thiếu tầm nhìn dài hạn.
Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Công ty Thành Thành Công, cho biết: "Tại Việt Nam, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa, nên từ ba năm trước, Tập đoàn Thành Thành Công đã chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng, Campuchia phát triển hơn 5.000 ha mía nguyên liệu".
Từng vấp phải khó khăn về đất khi xây dựng trang trại cho dự án sản xuất sữa tươi sạch TH true Milk, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, cho rằng, để xây dựng thành công mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc tích tụ ruộng đất là một trong những yếu tố then chốt. Không thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao nếu quy mô tủn mủn, ruộng đất không đủ. Ít nhất phải tự chủ được 60% như TH, 40% kết hợp cùng nông dân.
Bà Hương đề xuất nên chuyển đất của các nông lâm trường, của các tổng đội thanh niên xung phong, và các công ty đã được cấp rồi nhưng hoạt động không hiệu quả cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) chia sẻ: "Một trong những cản trở đối với phát triển một nền nông nghiệp hiện đại của Việt Nam là đất đai. Đáng lẽ quỹ đất ở nông thôn phải thuận lợi hơn thành phố".
Theo chuyên gia này, ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch.
Ông Sơn đưa ra ba giải pháp. Thứ nhất là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông. Thứ hai là cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây, đất do địa phương quản lý... Thứ ba là giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.
Theo DNSG