Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa công bố loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế, quy mô lớn nhất từ đại dịch Covid 19. Lãi suất điều hành, cho vay được điều chỉnh. Lãi vay mua nhà, tỷ lệ chi trả tối thiểu khoản vay mua nhà thứ hai đều giảm. Ngoài ra, PBOC cũng cho phép các công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư tiếp cận nguồn vốn để mua cổ phiếu, trái phiếu.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 170 tỷ USD năm ngoái. Đây cũng là thị trường mua nhiều hàng hóa thứ hai của Việt Nam, với trên 38 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay.
Vì thế, giới phân tích, doanh nghiệp dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam tích cực hơn sau chính sách kích cầu của Trung Quốc. "Sức mua thị trường nội địa Trung Quốc tăng nhờ gói kích thích kinh tế mới, mở thêm cơ hội cho một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam", nhóm phân tích từ Chứng khoán Yuanta nhận xét.
Trong khi đó, theo phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco), hai nhóm hàng xuất khẩu được hưởng lợi là cao su và thủy sản.
Cá tra, tôm là những hải sản Việt được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Ông Doãn Chí Thiên, thành viên Hội đồng quản trị Navico - nhà sản xuất và xuất khẩu cá basa lớn nhất An Giang, cho biết thủy sản sang Trung Quốc khởi sắc hơn từ quý III. Trước đây, nước này thường nhập khẩu các mặt hàng thủy sản từ Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, gần đây họ chuyển hướng tăng nhập hải sản từ Việt Nam, nhờ giá cạnh tranh và chất lượng.
"Chúng tôi chứng kiến sự tăng trưởng dương về sản lượng so với cùng kỳ năm trước và kỳ vọng giá sang thị trường này sẽ cải thiện, khi các chính sách kích cầu tăng thêm", ông Thiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hưng, CEO một doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm, cũng cho biết đơn hàng sang Trung Quốc của công ty tăng ở mức hai con số, nhờ chính sách thuận lợi và nhu cầu tăng vọt.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của hải quan. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu mặt hàng này sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại năm nay, nhất là dịp lễ, Tết cuối năm.
Với ngành cao su, kim ngạch mặt hàng này sang Trung Quốc đạt trên 1,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Sự phục hồi của ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là ôtô tại thị trường tỷ dân, có thể tạo hiệu ứng tích cực cho hàng hóa từ Việt Nam.
Ở phía nhập khẩu, Agriseco cho rằng giá một số nguyên vật liệu đầu vào có thể giảm khi sản xuất Trung Quốc phục hồi. Theo Tổng cục Hải Quan, trong số 5 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ nước láng giềng, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày đứng thứ ba với quy mô gần 10,2 tỷ USD trong 8 tháng.
Chi phí vật tư của ngành da giày chiếm khoảng 48-50% giá thành sản xuất. Vì thế, việc giảm chi phí này giúp các doanh nghiệp da giày tăng năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh ngành gặp khó nửa đầu năm nay.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp, một số lĩnh vực cũng hưởng lợi nhờ tác động gián tiếp, như thép. Nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm, nhu cầu thấp, doanh nghiệp thép nước này đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực, dẫn tới giá giảm sâu, áp lực cạnh tranh tăng vọt. Thép là mặt hàng đứng thứ 5 về quy mô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, hơn 4,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 44% cùng kỳ năm trước.
Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), giá thép xây dựng và thép cán nóng (HRC) tháng 8 giảm lần lượt 24% và 21% so với đầu năm. Đây là ngưỡng thấp nhất 5 năm.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành thép nhìn nhận các chính sách hỗ trợ bất động sản và tín dụng quy mô lớn có thể giúp lĩnh vực này "ấm hơn", tiêu thụ thép tại Trung Quốc tăng lên. "Doanh nghiệp thép Trung Quốc không còn quá áp lực trong việc phải đẩy hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam", lãnh đạo này cho biết.
Giá thép lập tức phản ứng với thông tin mới từ Trung Quốc. Theo Kallanish, giá chào các lô hàng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc đã 30-40 USD một tấn. Con số này được các thương nhân nhận xét là "điên rồ", kể cả khi so với mức giảm hai con số trong những tháng gần đây. Với thép HRC dùng để cán lại, các nhà mua Việt Nam gần đây chuyển sang đặt hàng từ Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng giá được dự báo tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, về dài hạn, các chính sách hỗ trợ của Trung Quốc cần thời gian "thẩm thấu". Bởi, trong quá khứ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng nhiều lần đưa ra các chính sách nhằm vực dậy kinh tế, bất động sản nhưng tác động vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán nhận xét thị trường chứng khoán và giá hàng hóa rất "nhạy" với thông tin, nên thường có hiệu ứng ngay. Tuy nhiên, việc các chính sách hỗ trợ có tạo được chuyển biến ngay cho nền kinh tế thứ hai thế giới hay không vẫn cần thời gian xác nhận. Theo ông, mức độ hấp thụ chính sách của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là bất động sản sẽ quyết định độ ảnh hưởng thực sự.
Minh Sơn - Thi Hà