Phát huy vai trò, trách nhiệm Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020 - 2021 và chủ tịch ASEAN 2020, chương trình Diễn đàn hội nhập kinh tế Asia 2021 với chủ đề "Tăng cường hợp tác Việt Nam Hàn Quốc - Asia thịnh vượng" vừa được tổ chức tại Hà Nội, sáng 9/1.
Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo đại diện các Bộ, Ban, ngành, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu, đại sứ quán các nước, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, những doanh nghiệp, doanh nhân, nhà trí thức tiêu biểu cùng một số cơ quan thông tấn báo chí.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe và được vinh danh top 10 Asia Award ở các hạng mục khác nhau. Trong đó có: Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom); Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Hệ thống nhà thuốc Bệnh Viện Bạch Mai, Công ty TNHH Dynaplast Packaging Việt Nam (Dynaplast); Công ty CP bến xe tàu phà Cần Thơ (BXTP); Công ty CP Vietnam Blockchain (Vietnam Blockchain Corporation); Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land).
Công ty TNHH Koastal Eco Industries (Koastal Eco group); Công ty cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (Sanest Khánh Hòa); Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn (Thạch Bàn); Công ty cổ phần Tập đoàn Kim Tín (Kim Tin Group); Công ty TNHH thương mại dịch vụ sáng tạo OTB (OTB); Công ty CP Tập đoàn Skymond (Skymond Luxury); Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ (Sino-Vanlock); Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tân Hoàng Long SG (Tân Hoàng Long SG)... cũng được vinh danh top 10 Asia Award.
Nhiều doanh nghiệp Việt chia sẻ, kết quả trên đã khẳng định vai trò và vị thế của các đơn vị này trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khu vực, vươn tầm thế giới.
Diễn đàn và lễ công bố Asia Award được Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp và Thương hiệu Việt Nam, Viện Khoa học Phát triển Nhân tài và Trí tuệ, Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam, Ủy ban hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cùng một số cơ quan, đơn vị khác thường xuyên phối hợp tổ chức thực hiện.
Chương trình là sự kiện thường niên được tổ chức trang trọng, luân phiên ở 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như: Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), mang ý nghĩa kinh tế - văn hóa thiết thực. Sự kiện là cầu nối hiệu quả giúp các doanh nghiệp trong khu vực xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế trên thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, giúp tăng trưởng bền vững.
Diễn đàn là dịp để biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nỗ lực xây dựng thương hiệu vì người tiêu dùng. Các doanh nhân doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, đổi mới, sáng tạo, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội... đã được biểu dương tại diễn đàn.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm: 8 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN, 7 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập và đang đàm phán 2 FTA gồm FTA với khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), FTA Việt Nam-Israel. Trong đó, Việt Nam đã tham gia 2 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và quy mô cam kết rộng: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Mới đây, ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc ký kết.
Theo ban tổ chức Diễn đàn hội nhập kinh tế Asia 2021, với CPTPP, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 499 triệu người, quy mô GDP lên tới 10,6 nghìn tỷ USD, tương đương 13,3% GDP thế giới. EVFTA mở ra cánh cửa vào thị trường có quy mô GDP đạt 18 nghìn tỷ USD, tương đương 22,6% GDP thế giới, với mức cam kết xóa bỏ thuế lên tới gần 100%, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng khoảng 42% vào năm 2025 và khoảng 45% vào năm 2030. EVFTA có lợi ích lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cần nhập khẩu máy móc thiết bị từ EU để làm đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam.
Trong khi đó RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên 2,2 tỷ người, quy mô GDP tương đương 26.200 tỷ USD, trở thành khu vực thương mại tự do lớn trên thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định thương mại tự do hứa hẹn tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
"Với những lợi thế trên, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động tích cực nghiên cứu tận dụng lợi thế lớn, nắm bắt cơ hội mới của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2035", ban tổ chức Diễn đàn hội nhập kinh tế Asia 2021 chia sẻ.
(Nguồn: Vusta-Bec, Ban tổ chức diễn đàn)