Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và thế giới sử dụng chứng chỉ TOEIC làm tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự bởi tính minh bạch cũng như tính ứng dụng cao.
Yêu cầu TOEIC trong tuyển dụng trên thế giới
Tại Thai Airways International, nhờ xét điểm TOEIC ở vòng sơ loại, nhà tuyển dụng có thể giảm được lượng lớn công việc khi đã loại những ứng viên không đạt yêu cầu ngay từ đầu.
Với Packard Bell, một doanh nghiệp về công nghệ thông tin tại Pháp, bài thi TOEIC còn giúp chuẩn hóa trình độ tiếng Anh cho từng vị trí tuyển dụng. Cụ thể, đối với nhân viên kiểm soát chất lượng, điểm TOEIC cần đạt là 650 trong khi nhân viên mua hàng cần có số điểm là 850. Tương tự, ở Kenwood Electronic, các nhân viên mới sẽ được yêu cầu phải nộp bảng điểm TOEIC trước khi vào công ty. Điểm TOEIC sau đó sẽ giúp xác định nhu cầu đào tạo cũng như lộ trình cải thiện để mở rộng cơ hội thăng tiến cho nhân viên.
Yêu cầu TOEIC trong tuyển dụng tại Việt Nam
Trên thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chứng chỉ tiếng Anh làm đầu vào khi tuyển dụng. Theo IIG, để đáp ứng thị trường lao động, gần 130 trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề đã sử dụng TOEIC làm chuẩn đầu ra tiếng Anh. Bên cạnh đó, chứng chỉ này còn được hàng trăm doanh nghiệp sử dụng làm tiêu chí tuyển dụng và đánh giá nhân viên.
Là một trong những doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của TOEIC, Vietnam Airlines đã sử dụng chứng chỉ này làm yêu cầu tuyển dụng và đánh giá cán bộ nhân viên trong nhiều năm qua. Theo đó, khối kỹ thuật Vietnam Airlines sẽ phải đạt 600 TOEIC, với khối thương mại là 700 và 450 với nhân viên phục vụ mặt đất.
Ngân hàng Agribank cũng yêu cầu tối thiểu 400 TOEIC với các vị trí nhân sự tại chi nhánh và TOEIC 850 với các vị trí trưởng phó phòng ban, những vị trí thường xuyên phải giao tiếp với người nước ngoài. Hay Tập đoàn FPT yêu cầu nhân viên phải đạt từ 500 TOEIC mới đủ điều kiện làm việc...
Việt Hùng