Dịch Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo khảo sát từ 21.517 doanh nghiệp của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress thực hiện, có 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch.
Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể hoặc đang ngừng hoạt động chờ giải thể.
Khảo sát này cũng chỉ ra rằng, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trầm trọng hơn. Gần một nửa doanh nghiệp không ước tính được sẽ phải đóng cửa trong bao lâu.
Còn theo số liệu công bố của Cục Đăng ký Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 8 tháng đầu năm 2021, 12.196 doanh nghiệp đã giải thể và 30.147 doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể.
Trước thực trạng trên, Chính phủ cũng ban hàng những chính sách, gói hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19, nới lỏng biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn... Những giải pháp này mang tính "hồi sức cấp cứu", còn để "sống khỏe" mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm ra những giải pháp để tăng cường kháng thể, tự nâng cao sức đề kháng, nội lực phù hợp với ngành nghề kinh doanh.
Đây cũng chính là cách mà nhiều đơn vị vẫn duy trì được hoạt động, thậm chí thành công vượt khủng hoảng ngay trong đại dịch. Đơn cử, một công ty vận tải, logistic trong tâm dịch tại TP HCM đã nhanh chóng chuyển đổi số các hoạt động của doanh nghiệp, coi hợp đồng điện tử như một "mặt hàng thiết yếu" để đảm bảo kinh doanh liên tục. Đại diện FPT cho biết, thời gian qua đã có hơn 500.000 hợp đồng điện tử được ký kết thành công qua nền tảng công nghệ của tập đoàn này.
Nhiều công ty, doanh nghiệp lớn trong nước đã sớm nhận ra vấn đề này, chuyển đổi và áp dụng số hóa quy trình làm việc hiệu quả như: Vinamilk, Vietjet Air, Vietbank, Ford Việt Nam, Toyota Financial Group, ASC, 30 Shine...
Với mong muốn cùng lãnh đạo các doanh nghiệp tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện tại, Viện Quản trị và Công nghệ FSB phối hợp với các chuyên gia của tập đoàn FPT, tổ chức chuỗi Chương trình đào tạo – tọa đàm "Vaccine cho doanh nghiệp – Từ sống sót đến thịnh vượng", khóa đầu tiên khai giảng ngày 17/9. Hoạt động này nằm trong chương trình FPT eCovax do Tập đoàn FPT khởi xướng, với mong muốn cung cấp các "vũ khí" giúp doanh nghiệp tăng cường kháng thể, thích ứng và linh hoạt trước mọi tình huống để đảm bảo kinh doanh không gián đoạn, vượt qua những thách thức của đại dịch.
Diễn giả trong chương trình đào tạo là những doanh nhân hàng đầu Việt Nam và quốc tế, dày dặn kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng như: ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, ông Jakarin Srimoon - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế (UTTC) – Thái Lan, ông Mai Hữu Tín - Phó Chủ tịch HĐQT U&I, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐTQ Công ty Chứng khoán VNDIRECT... Ngoài ra, hai lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn FPT là ông Hoàng Việt Anh – Phó tổng giám đốc FPT và ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom cùng các tiến sĩ là giảng viên Viện Công nghệ và Quản trị FSB cũng sẽ tham gia chương trình đào tạo này.
Điểm đặc biệt của khóa học đầu tiên này là dựa trên nguyên lý kiến tạo, người tham dự sẽ được trực tiếp học hỏi kinh nghiệm "xương máu" từ các doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm quản trị, điều hành các doanh nghiệp đang dẫn đầu trên thương trường và từ chính các doanh nghiệp cùng ngành. Trong các phiên tọa đàm chia theo nhóm lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, các diễn giả và người tham dự sẽ cùng thảo luận, tranh biện để tìm ra giải pháp có thể triển khai ngay và mang lại hiệu quả tức thì giúp nhanh chóng "vực dậy" doanh nghiệp...
Cụ thể, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT sẽ "đứng lớp" tại phiên toạ đàm dành cho các doanh nghiệp tiếp xúc khách hàng (Intensive). Là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và là người tiên phong trong việc đưa sản phẩm mới tới thị trường, bà Hương đã kiến tạo nên sự thành công của VNDIRECT. Bà Minh Hương sẽ trực tiếp thảo luận để cùng người tham dự tìm ra giải pháp cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong vấn đề duy trì dịch vụ trực tiếp với khách hàng, đảm bảo dòng tiền, ....
Còn trong phiên tọa đàm dành cho nhóm doanh nghiệp sản xuất, Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I, người nổi tiếng với những thương vụ "giải cứu" các công ty sản xuất lớn, sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực chiến và cùng người tham dự tìm lời giải cho các bài toán về kiểm soát chi phí, xử lý chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất không gián đoạn....
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom sẽ cùng người tham dự toạ đàm dành cho nhóm doanh nghiệp văn phòng (Computer Base), cùng tìm lời giải cho việc kiểm soát làm việc từ xa, quản lý năng suất lao động, cải tiến quy trình làm việc, ứng dụng công nghệ, số hoá vào vận hành doanh nghiệp. Tại FPT, ông Hoàng Nam Tiến là một trong những "chiến tướng" hàng đầu, từng giúp FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng 30% trong nhiều năm liên tiếp, vào top 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới, top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới.
Cùng với việc học hỏi được những kinh nghiệm thực tiễn và tìm thấy lời giải cho các vấn đề cấp thiết hiện nay, thông qua Chương trình đào tạo này, người tham dự còn được tiếp cận công thức 5+1, tư duy lãnh đạo mới – tư duy lãnh đạo số, trong việc dẫn dắt doanh nghiệp phục hồi năng lực hoạt động, đặc biệt trên các khía cạnh về tài chính, vận hành, tổ chức, công nghệ, thương hiệu, mô hình kinh doanh. Đồng thời, tham gia Cộng đồng doanh nghiệp bình thường xanh - eCovax để tiếp cận với các giải pháp, công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp đi từ "sống sót đến thịnh vượng".
Tuấn Vũ
Tăng cường sức đề kháng cho doanh nghiệp cùng các chuyên gia, doanh nhân nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và Quốc tế tại Chương trình đào tạo "Vaccine cho doanh nghiệp – Từ sống sót đến thịnh vượng" do Viện Quản trị & Công nghệ FSB phối hợp cùng các chuyên gia Tập đoàn FPT xây dựng. Khóa học đầu tiên khai giảng 17/9 với nội dung: Cứu sinh.
Đăng ký tham gia chương trình tại đây. Hotline 0904 922 211.