Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp thực phẩm lớn gặp sự cố liên tiếp về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng đến thương hiệu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phòng vệ thực phẩm và xây dựng một kế hoạch phòng vệ thực phẩm cho quy trình sản xuất của doanh nghiệp mình.
Phòng vệ thực phẩm là thuật ngữ được dùng để chỉ những hoạt động bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm chống lại những hành động gây lây nhiễm hoặc đầu độc có chủ ý. Giữa phòng vệ thực phẩm và an toàn thực phẩm có nhiều điểm khác biệt. Trong khi an toàn thực phẩm bảo vệ các sản phẩm thực phẩm từ những tác nhân gây ô nhiễm không có chủ đích (những tác nhân này có thể xảy ra trong chuỗi cung cấp thực phẩm), thì phòng vệ thực phẩm là bảo vệ thực phẩm khỏi những tác nhân gây ô nhiễm có chủ đích, vốn rất khó kiểm soát và khó dự đoán.
Đánh giá được tầm quan trọng của phòng vệ thực phẩm, từ năm 2007 tổ chức hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đưa chương trình phòng vệ thực phẩm vào các nước APEC nhằm nỗ lực bảo vệ an toàn nguồn thực phẩm.
Đến năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có cơ hội tiếp cận với khái niệm này nhưng hiện tại số doanh nghiệp thật sự quan tâm đến vấn đề chưa nhiều. Chỉ đến khi xảy ra hàng loạt những sự cố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, các doanh nghiệp thực phẩm mới thấy tầm quan trọng. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ đầy đủ thông tin để xây dựng kế hoạch phòng vệ thực phẩm bài bản nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn. Sự tấn công có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào: từ trồng trọt, chế biến, phân phối, lưu trữ, bán lẻ, vận chuyển. Tấn công vào khâu nào cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Khi doanh nghiệp không có kế hoạch phòng vệ thực phẩm hữu hiệu, được cập nhật liên tục sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ khủng bố thực phẩm, cố ý phá hoại của đối thủ cạnh tranh hoặc nhân viên bất mãn. Hậu quả là không những doanh nghiệp mất uy tín thương hiệu, thiệt hại nặng nề về các chi phí bồi thường, giải quyết rủi ro, thậm chí có thể dẫn đến phá sản, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, tạo nên sự sợ hãi rộng rãi trong công chúng, đánh mất lòng tin của công chúng vào sự an toàn của sản phẩm.
Một kế hoạch phòng vệ thực phẩm thông thường bao gồm các biện pháp an ninh bên ngoài (vành đai nhà máy, vành đai xưởng sản xuất, khu vực xe cộ giao nhận hàng hóa…), các biện pháp an ninh bên trong (cơ sở nhà máy, khu vực chế biến, hệ thống tiện ích khác như gas, điện, nước…), an ninh về nhân sự (hệ thống giám sát, kiểm soát khách, nhân viên, hệ thống lưu trữ thông tin), an ninh hậu cần (nhà cung ứng, nhà thầu, kiểm soát chuyển nhận hàng, kho hàng, hóa chất độc hại) và các biện pháp phản ứng khi có biến cố.
Xây dựng kế hoạch phòng vệ thực phẩm còn thể hiện tính trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro có sản phẩm không an toàn, giảm thiểu trộm cắp và trách nhiệm pháp lý cho công ty, giảm chi phí do các sai sót trong công tác an ninh đồng thời phát hiện được điểm chưa hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, nhằm mở rộng hợp tác kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam càng phải xem trọng hệ thống phòng vệ thực phẩm. Đây được xem như một lợi thế cạnh tranh không thể thiếu, tạo nên một phần hình ảnh quan trọng của doanh nghiệp. Rất nhiều khách hàng, nhất là những khách hàng đa quốc gia yêu cầu các đối tác có kế hoạch phòng vệ thực phẩm cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng khi có hành lang pháp lý về vấn đề này.
Minh Trí