Đó là nhận định của bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại Hội thảo về Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công nghệ Blockchain và khuyến nghị cho Việt Nam tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 5/8 vừa qua.
Blockchain sẽ thay đổi doanh nghiệp
Internet đã cải thiện đáng kể luồng dữ liệu trong và giữa các tổ chức, nhưng với thời đại công nghệ hóa toàn cầu, hoạt động kinh doanh đang có phần hạn chế hơn trước đây. Đó là bởi internet được thiết kế để di chuyển thông tin - không phải giá trị - từ người này sang người khác. Ví dụ như, khi gửi tệp tài liệu, ảnh hoặc âm thanh qua email, chúng ta không gửi bản gốc mà là đang gửi bản sao. Bất kỳ ai cũng có thể sao chép và thay đổi nó. Trong nhiều trường hợp, việc chia sẻ các bản sao là hợp pháp và có lợi.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu có một mạng internet khác có thể tạo ra nền tảng an toàn, hoặc cơ sở dữ liệu nơi người mua và người bán có thể lưu trữ và trao đổi giá trị mà không cần đến các trung gian truyền thống?", đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra. Và đây cũng là những gì công nghệ chuỗi khối (blockchain) sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp. Về mặt khái niệm, có thể hiểu blockchain là một cơ sở dữ liệu có các đặc điểm cơ bản như phân quyền, bảo mật (mã hóa), độ tin cậy, tự động hóa và công khai thông tin.
Công nghệ Blockchain cho phép khởi tạo các cách thức mới để tổ chức các hoạt động kinh tế, giảm chi phí và thời gian liên quan đến các bên trung gian và củng cố lòng tin vào một hệ sinh thái của các bên tham gia.
Trong ngành y tế, một giải pháp vận hành ứng dụng blockchain có thể cung cấp tổng quan đầy đủ về tiền sử bệnh của bệnh nhân, dẫn đến lợi thế đáng kể trong trường hợp khẩn cấp thay vì hồ sơ đang lưu trữ tại nhiều trung tâm hay tổ chức chăm sóc sức khỏe như hiện nay. Công nghệ blockchain cũng đảm bảo rằng việc ghi dữ liệu phù hợp với các điều kiện đã được hai bên đồng ý, cho phép các thực thể xác thực trung tâm được phân bổ.
Nhiều lợi ích nhưng đầy thách thức
Năm 2021 được xem là một năm thảm họa cho nền kinh tế thế giới khi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng lại là năm bùng nổ của lĩnh vực blockchain. Blockchain nổi lên như một hiện tượng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới. Trong năm qua, các chỉ số blockchain trên thế giới đều tăng trưởng mạnh. Theo CB Insights (nền tảng phân tích kinh doanh và cơ sở dữ liệu toàn cầu cung cấp thông tin thị trường về các công ty tư nhân và hoạt động của nhà đầu tư), lượng tiền tài trợ cho lĩnh vực này cũng tăng gấp 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021.
Ngành công nghiệp tài chính và thanh toán đang chứng kiến không ít cuộc cách mạng kể từ sự bùng nổ của công nghệ blockchain vào năm 2018. Với việc blockchain ngày càng trở nên phổ biến hơn mỗi ngày, các doanh nghiệp cần phải nhận thức được những lợi thế và bất lợi mà công nghiệp này mang lại.
Hiện nay thị trường công nghệ blockchain đang phân ra hai nhánh chính. Thị trường thứ nhất là ứng dụng trực tiếp để tạo ra các tài sản kỹ thuật số; các doanh nghiệp sẽ nghiên cứu và phát minh ra loại tiền số và các sàn giao dịch cho các loại tiền số này. Thị trường này cho phép người sở hữu giao dịch trực tiếp với nhau như các phương tiện thanh toán hay có thể mua bán các tài sản kỹ thuật số khác nhau.
Thị trường thứ hai, đó là các doanh nghiệp sẽ tích hợp công nghệ blockchain để nâng cấp các hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu hiện có. Thông qua đó, có thể triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain giúp tăng độ bảo mật, đảm bảo an toàn và minh bạch các dữ liệu giao dịch trên các hệ thống thông tin này, đồng thời, đem đến cho người dùng những thông tin có giá trị cao.
"Khi quá trình sản xuất cần thông minh để theo dõi quá trình sản xuất, tồn kho, phân phối, chất lượng, thông tin giao dịch ... thì việc ứng dụng blockchain vào các ngành nghề công nghiệp trên thị trường là cần thiết. Bởi khi đó, blockchain sẽ thay thế các thiết bị cũ để cấp quyền quản lý, nâng cao hiệu quả và tăng đáng kể năng suất kinh doanh", bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định.
"Facebook, IBM, JPMorgan, Walmart và Intel chỉ là một số công ty lớn đang khám phá chuỗi khối doanh nghiệp và cách thức công nghệ hiện đại này có thể được tận dụng để cải thiện tính minh bạch và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh hiện có", bà Hiền cho biết.
Hầu hết các dự án blockchain được xây dựng dựa trên ba thuộc tính cốt lõi: phân quyền, khả năng mở rộng và bảo mật. Các nhà phát triển không ngừng cố gắng cân bằng những khía cạnh này, để chúng không bị tổn hại. Do vậy, sẽ có rất nhiều thách thức chung mà mọi doanh nghiệp phải đối mặt, cho dù có quy mô lớn hay nhỏ. Những thách thức đó bao gồm việc thuê đúng người, xây dựng thương hiệu, phát triển khách hàng,....và một trong các thách thức lớn là ứng dụng công nghệ trong vận hành, hoạt động.
"Bên cạnh việc nhìn nhận năng lực của công nghệ blockchain, các doanh nghiệp khi bắt đầu xem xét ứng dụng này cần nhận thức, hiểu đủ về những ưu điểm, hạn chế và đo lường được rủi ro", Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain đưa ra nhận định.
Với những tác động mang tính cách mạng lên nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, có thể nhận định rằng công nghệ Blockchain sẽ là một công nghệ được các quốc gia chú trọng đầu tư và phát triển trong tương lai. Tiềm năng phát triển của hệ sinh thái blockchain là rất lớn tuy nhiên cần giải pháp đúng định hướng để có thể phát triển và ứng dụng một cách toàn diện vào đời sống
Hoài Phương