Lý giải về việc tăng sản lượng hàng, đại diện DOJI cho biết năm ngoái, chỉ trong hai ngày doanh nghiệp này từng tiêu thụ hết 30.000 sản phẩm.
Còn 2 ngày nữa mới đến ngày vía Thần Tài nhưng không khí mua bán đã bắt đầu sôi động. Không chỉ bó hẹp ở khu vực phía Nam, ngày Thần Tài ngày càng lan rộng ra miền Bắc. Ở thị trường Hà Nội, ba năm trở lại đây người dân bắt đầu đi mua vàng vào ngày này. Năm nay lực mua được dự báo sẽ còn tăng mạnh.
Tương tự DOJI, nhiều doanh nghiệp khác cũng chạy đua gia tăng lượng sản xuất gấp 3 đến 4 lần số sản phẩm dành riêng cho ngày Thần Tài so với năm ngoái, như Công ty Bảo Tín Minh Châu, Công ty Phú Quý.
Ở phía Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho biết từ hai ngày nay, doanh số bán hàng đã rục rịch tăng so với thời điểm trước Tết.
Điểm nổi bật của thị trường ngày Thần Tài năm nay là cuộc chạy đua về sản phẩm độc, lạ dành riêng cho những khách mua vàng cầu may. Năm ngoái, tại thị trường Hà Nội, DOJI là doanh nghiệp duy nhất tung ra sản phẩm dành riêng cho ngày này là đồng xu vàng mỹ nghệ in hình ngựa - biểu tượng của năm Giáp Ngọ. Sang năm nay, xu hướng trên đã được nhiều doanh nghiệp khác "hưởng ứng".
Tại thị trường Hà Nội dự kiến có khoảng 7 đến 8 loại sản phẩm dành riêng cho ngày Thần Tài năm nay. Doanh nghiệp tiên phong là DOJI, tương tự năm ngoái, sẽ tung ra đồng xu vàng mỹ nghệ ép vỉ in hình con giáp của năm là dê vàng mang tên Kim Dương với ba loại gồm Kim Dương Lộc (một chỉ), Kim Dương Phát (2 chỉ) và Kim Dương Tài (5 chỉ).
Để cạnh tranh với "Dê Vàng" của DOJI, Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng cho ra mắt sản phẩm đồng xu in hình con dê, đóng trong vỉ. Còn tại Công ty Phú Quý, khách hàng có thể chọn bất cứ linh vật nào trong số 12 con giáp.
Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác của các công ty như SJC, PNJ được bán cả thị trường phía Bắc và phía Nam như nhẫn tròn trơn, tượng Thần Tài một lượng, miếng Thần Tài một chỉ, tượng hoặc miếng vàng của 12 con giáp, nhẫn Phúc Lộc Thọ.
"Chưa năm nào ngày Thần Tài lại đa dạng sản phẩm như năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn, cũng như cuộc cạnh tranh giữa những người bán trở nên gay gắt hơn", đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội nhận định.
Để chiến thắng trong cuộc đua, ngoài yếu tố đa dạng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến giá cả để hút khách hàng. Như mọi năm, DOJI kiên trì với chính sách niêm yết giá ngang bằng với vàng miếng SJC, vốn đắt hơn vàng phi SJC. Đại diện doanh nghiệp này lý giải họ neo giá vàng mỹ nghệ bằng giá SJC để miếng vàng bán ra luôn có tính thanh khoản cao nhất khi khách mang đến cửa hàng bán lại. Bộ Kim Thần Tài của DOJI cũng được bán tại các điểm giao dịch của ngân hàng TPBank. Ngân hàng áp dụng chương trình cứ mua một chỉ, khách được tặng 5.000 đồng.
Còn tại nhiều doanh nghiệp khác, giá sản phẩm cho ngày Thần Tài được áp ngang bằng với những loại vàng 9999 mà họ đang bán nhằm tạo ưu thế giá rẻ cho sản phẩm trong ngày này. Tuy nhiên, khi khách đem bán lại, giá thu mua của cửa hàng thấp hơn 300.000 đến 500.000 đồng so với chiều bán ra.
Khi dự báo về doanh số bán hàng ngày Thần Tài năm nay, đa số các doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan. "Kinh tế năm ngoái khó khăn nhưng kết quả là khách vẫn xếp hàng rất đông, nhiều người đến muộn không mua được", đại diện SJC nói.
Còn phía DOJI cho rằng sau Tết, nhiều người có thể vẫn còn tiền mừng tuổi, tiền thưởng nên muốn mua chút vàng tiết kiệm, nhất là khi với sản phẩm trọng lượng thấp, khách chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ là có thể sở hữu những sản phẩm mang lại may mắn, đắc lộc cho cả một năm. Một đại diện của DOJI nhớ lại: "Năm ngoái, mặc dù ngày Thần Tài là ngày Chủ nhật nhưng những dòng người vẫn không ngớt xếp hàng liên tục từ đầu giờ sáng tới 22h để mua vàng tại tất cả các trung tâm, cửa hàng trên toàn quốc".
4-5 ngày trước Thần Tài năm nay, theo DOJI, đông đảo khách lẻ đã tìm mua và nhiều bạn hàng, đối tác cũng đặt với số lượng lớn. Vì thế, xí nghiệp sản xuất của Tập đoàn DOJI cũng đang phải liên tục, khẩn trương sản xuất để kịp cung ứng cho thị trường để phục vụ những ngày “chính hội”.
Tương tự, đại diện Phú Quý ở Hà Nội cho rằng lượng bán ra năm nay sẽ vượt xa so với năm ngoái. Chỉ kịp chuẩn bị lượng hàng gấp đôi, ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc công ty lo sẽ bị thiếu hàng. Đây cũng là nỗi lo của PNJ dù công ty đã dự trữ sẵn nhiều hàng so với con số 20.000 sản phẩm tiêu thụ hồi năm ngoái.
Đại diện DOJI cho rằng lực mua sẽ tập trung mạnh nhất vào 3 ngày mùng 9, 10 và 11 tháng Giêng, trong đó cao điểm nhất là ngày Thần Tài (mùng 10). Hút khách nhất năm nay sẽ là sản phẩm một chỉ. Để phục vụ được lượng khách lớn sẽ đổ đến các cửa hàng trong những ngày này, Công ty DOJI sẽ áp dụng giờ mở cửa đặc biệt, từ 7h30 sáng đến 21h tối. Các cơ sở ở miền Bắc mở muộn hơn miền Trung và Nam, đóng cửa từ 20h30.
Tương tự, rút kinh nghiệm từ năm ngoái khi cửa hàng 11h đêm mới đóng được cửa vì khách quá đông, Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội cho biết trong ngày Thần Tài, họ sẽ mở cửa sớm từ 7h30 và đóng cửa muộn lúc 22h, thay vì 17h như thông thường.
Thanh Bình - Lệ Chi