Theo dự thảo mới nhất sửa đổi Bộ Luật Lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thời gian làm thêm tối đa của người lao động lên 400 giờ một năm thay vì 300 giờ như hiện nay.
Tại hội thảo lấy ý kiến chiều 14/10, ông Chu Văn An - Phó tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú nêu những khó khăn của doanh nghiệp nông thuỷ sản để ủng hộ phương án này. Theo ông, ngành nông nghiệp, đặc biệt là thuỷ sản chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Vào mùa, nông dân mang thủy sản đến các nhà máy bán nhiều, nếu muốn nhận mua hết hoặc để đảm bảo thời gian giao hàng theo yêu cầu đối tác, doanh nghiệp buộc phải tăng số giờ làm, tức là vi phạm quy định giờ làm thêm.
Thực tế, vì vướng quy định hiện nay, các doanh nghiệp có thể bị từ chối đơn hàng nếu bị phát hiện vi phạm số giờ làm thêm. Để mở lại đơn hàng mới, theo ông Chu Văn An, phải chờ tới đợt đánh giá tiếp theo, nhưng chi phí đánh giá cũng lên tới 3.000 USD một lần.
Theo đại diện Minh Phú, doanh nghiệp thực tế không mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% chi phí sử dụng lao động hoặc 200% (làm thêm vào ban đêm); 300% (vào ngày Lễ) và 200% (vào ngày nghỉ). "Lương của người lao động thì tăng lên nhưng giá sản phẩm doanh nghiệp không thể bán được cao hơn", ông Chu Văn An giãi bày.
Vì vậy, ông đề xuất, sửa đổi quy định theo hướng bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày và không quá 500 giờ trong một năm; đồng thời bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo tháng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục ủng hộ phương án này. Ông cũng dẫn số liệu cho thấy trên 50% người lao động muốn làm thêm, tăng ca, tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận, làm thêm giờ là nhu cầu tất yếu và yêu cầu của hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu tăng giờ làm thêm, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất chỉ tăng với một số lĩnh vực như dệt may, da giày, thuỷ sản và điện tử. Đồng thời, Chính phủ cần có đánh giá tác động cụ thể.
Trong khi đó, trả lời VnExpress về các ý kiến trên, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, tăng giờ làm thêm phải xem xét tác động đến sức khỏe, đời sống, xã hội của người lao động.
"Chúng tôi đồng ý giới hạn làm thêm giờ với mức vừa phải nhưng tiền làm thêm phải tăng theo lũy tiến", ông Quảng nói và khẳng định đây là quan điểm nhất quán của Tổng liên đoàn tới nay.
Ông Quảng lý giải, việc đặt yêu cầu mức lương được trả theo lũy tiến như một thông điệp gửi tới các doanh nghiệp rằng, việc làm thêm giờ là bất đắc dĩ để giải quyết những trường hợp phát sinh, đột xuất, hết sức khó khăn cho doanh nghiệp và không phải thường xuyên.
"Làm việc trong bối cảnh như vậy phải được chia sẻ lợi ích và người chủ sử dụng lao động phải cân nhắc trước khi huy động người làm thêm giờ", ông Quảng cho biết.
Tháng trước, tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, tăng giờ làm thêm là "đi ngược xu thế tiến bộ của thế giới". Bà dẫn thực tế, trước đây khối cán bộ, công chức làm 48 giờ mỗi tuần, nay đã xuống 40 giờ. Còn công nhân đang làm 48 tiếng, nay lại đề xuất nâng lên.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng không thể tăng mà còn phải tính đến phương án giảm sau 5 năm tới. Bà nhìn nhận nhu cầu tăng giờ làm thêm đến từ hai phía, nhưng lợi ích mà giới chủ nhận lại nhiều hơn so với người lao động.
Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo ngày 14/10, bà Mary Tarnowka, Giám đốc AmCham tại TP HCM nhận định, 5 năm gần đây, mức lương tăng nhanh hơn năng suất là xu hướng tăng trưởng ngược và ảnh hưởng đến năng suất lao động trên một USD của Việt Nam. Trong khi theo bà, đây sẽ là tiêu chí cạnh tranh quan trọng của nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng trong thị phần xuất khẩu.
Ngọc Hà