Một bản kiến nghị vừa về phát triển du lịch vừa được gửi đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhằm tham gia hiến kế tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, diễn ra vào ngày 2, 3/5 tại Hà Nội. Trong hàng chục kiến nghị, khối tư nhân tập trung đến việc xúc tiến, quảng bá du lịch tại nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2014 Việt Nam đã mở văn phòng đại diện du lịch đầu tiên ở nước ngoài tại Nhật Bản. Trước sự phát triển nhanh của thị trường, lộ trình mở các địa điểm xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại thế giới vẫn chưa đáp ứng; trong đó số lượng các văn phòng đại diện vẫn hạn chế và chưa thật sự phát huy hết vai trò của văn phòng đại diện.
"Việc mở văn phòng xúc tiến du lịch tại các nước là cần thiết. Có một đội ngũ am hiểu du lịch thì mới có hiệu quả trong quá trình quảng bá", văn bản kiến nghị nêu rõ.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cho phép sử dụng nguồn lực tư nhân trong việc mở rộng hệ thống văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại nước ngoài gồm: nhân sự, mô hình, cơ chế hoạt động...
"Nếu kiến nghị này được nhất trí, khối tư nhân cam kết sẽ đảm bảo nguồn lực để mở ngay văn phòng đại diện du lịch tại Anh và Australia thời gian sớm nhất. Bởi đây là 2 thị trường trọng điểm của Việt Nam thời gian tới", một doanh nghiệp bày tỏ.
Về quỹ phát triển du lịch Việt Nam vừa được phê duyệt thành lập cuối năm 2018 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cho rằng quỹ có mô hình một thành viên và 100% vốn nhà nước nắm giữ sẽ hạn chế việc tiếp cận nguồn lực tư nhân đặc biệt trong khâu quảng bá, xúc tiến du lịch.
Chính sách thị thực cởi mở, đào tạo tuyển lựa nhân sự du lịch, phát triển đi liền với bảo vệ môi trường... cũng được các doanh nghiệp đề cập tại bản kiến nghị.
Về phát triển ngành du lịch trong nước, đại diện Sun Group cho rằng, cơ quan quản lý cần có chương trình hành động cụ thể để nâng mức chi tiêu của du khách trong qua trình du lịch tại các điểm đến Việt Nam. "Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng, tổ hợp vui chơi, đa dạng các sản phẩm điểm đến nơi mua sắm, trải nghiệm để níu chân đại đa số du khách", đại diện Sun Group nói.
Bên cạnh lĩnh vực du lịch, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 đề cập tới những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, với 6 phiên Hiến kế liên quan tới Nông nghiệp, Kinh tế số, Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn, Khởi nghiệp sáng tạo....
Những ý kiến hoặc ý tưởng mới của độc giả VnExpress về các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sản xuất, du lịch, kinh tế số, nông nghiệp, khởi nghiệp... sẽ được gửi đến Diễn đàn thông qua landing page "Hiến kế cho nền kinh tế Việt Nam".
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 2-3/5. Với quy mô từ 2.000 đến 2.500 doanh nghiệp tư nhân tham gia, diễn đàn là nơi quy tụ cộng đồng doanh nhân, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm.
Diễn đàn đề cập tới 3 mục tiêu lớn, gồm đánh giá quá trình tổ chức thực hiện sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 10 về phát triển kinh tế tư nhân; quảng bá thành tựu; tạo cơ hội cho khối tư nhân đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Binance, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group.
Thanh Thư