Theo China Daily, động thái tăng cường thuê kho, bổ sung các dịch vụ chuyển phát bằng máy bay là một phần nỗ lực nhằm cải thiện hiệu quả giao hàng, đảm bảo sự ổn định và an ninh của chuỗi cung ứng.
Cainiao Network, công ty con logistics của Tập đoàn Alibaba mới đây đã tăng số trung tâm phân phối hàng hóa ở nước ngoài lên 15 điểm để củng cố mạng lưới toàn cầu. Doanh nghiệp này cho biết đang tập trung vào cải thiện thời gian, hiệu quả giao vận chặng cuối.
Ngoài ra, Cainiao Network còn đẩy mạnh hình thức nhận hàng bằng tủ khóa thông minh ở các quốc gia này. Các khách hàng nhỏ lẻ ở nước ngoài sẽ có thêm lựa chọn linh hoạt thời gian, hạn chế tiếp xúc. Đến nay, đơn vị có tổng cộng sáu trung tâm smart logistics trên toàn thế giới; khai thác hơn 3 triệu m2 kho bãi xuyên biên giới; và hơn 240 chuyến bay cho thuê dịch vụ logistics đường dài mỗi tháng.
Liu Xinyang, Tổng giám đốc Cainiao Export Logistics nhấn mạnh việc số hóa các khả năng và dịch vụ hậu cần cũng như chuỗi cung ứng xuyên biên giới là chiến lược cần thiết với doanh nghiệp.
"Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của các dịch vụ logistics xuyên biên giới ổn định và hiệu quả. Bằng chứng là nhiều đơn vị đã chuyển sang vận hành trực tuyến để khai thác thêm lượng người tiêu dùng nước ngoài rộng lớn", ông nói thêm.
Lãnh đạo Cainiao cũng khẳng định doanh nghiệp sẽ tiếp tục giữ vững cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng logistics toàn cầu. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường các dịch vụ quốc tế đầu - cuối, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhà bán hàng online trong nước kinh doanh xuyên biên giới hiệu quả hơn.
Hồi tháng 11/2022, Cainiao đã khai trương trung tâm phân loại thông minh đầu tiên của mình ở Brazil. Công ty còn có kế hoạch mở thêm 9 điểm tương tự ở nước đó trong ba năm tới.
Một doanh nghiệp khác là JD Logistics, nhánh của nền tảng thương mại điện tử JD (Trung Quốc), cũng đang tăng cường nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần trên toàn cầu. Công ty đã lên sẵn kế hoạch xây thêm nhà kho ở châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Australia và Trung Đông. Đây cũng là những địa bàn đang được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chú ý, mở rộng hoạt động kinh doanh với tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử tăng đều.
Ji Jie, Tổng giám đốc kho bãi và phân phối quốc tế JD Logistics cho biết công ty trước đó đã khai trương các nhà kho tự vận hành ở Mỹ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Đông Nam Á, Trung Đông và Australia.
Zhang Zhouping, chuyên gia tư vấn cấp cao B2B và thương mại xuyên biên giới tại Viện Kinh tế Internet, nhận định các kho hàng nước ngoài đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng, giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới. Cơ sở vật chất đầy đủ, đạt chuẩn sẽ góp phần hàng hóa thông quan nhanh chóng, thời gian giao hàng và chi phí cũng được cắt giảm đáng kể.
Một chuyên gia khác là ông Lu Zhenwang, CEO Wanqing Consultancy, cũng đồng tình khi cho rằng việc mở các nhà kho nước ngoài không chỉ giúp quảng bá thương hiệu, sản phẩm của Trung Quốc ra quốc tế. Đây cũng là cách giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngoại thương nước họ, những đơn vị chuyên nhập khẩu hàng hóa quốc tế.
Mới đây, đội máy bay vận tải hàng không của JD Logistics đã được nhà chức trách phê duyệt vận hành để tăng cường năng lực vận chuyển đường dài. Công ty cho biết trước tiên sẽ tập trung phát triển mảng chuyển phát hàng hóa hàng không nội địa, phủ kín mạng lưới tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Sau đó, đơn vị lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường lớn ngoài nước như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối năm 2025.
Tháng 7/2022, sân bay Ezhou Huahu tại tỉnh Hồ Bắc đã đi vào hoạt động và được hỗ trợ bởi SF Express, nhà cung cấp dịch vụ logistics Trung Quốc. Doanh nghiệp đã mở tuyến vận chuyển hàng hóa nối sân bay này với Thượng Hải và Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông).
Ezhou Huahu là một trong những sân bay vận tải hàng không chuyên dụng đầu tiên ở châu Á và là sân bay thứ tư trên toàn cầu. Dự kiến sắp tới sân bay này sẽ mở hơn 50 tuyến giao vận nội địa và hơn 10 tuyến quốc tế vào năm 2025 với sản lượng hàng hóa lên đến 2,45 triệu tấn.
Trung tâm trung chuyển hàng hóa của SF Express tại sân bay Ezhou Huahu sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 6/2023. Doanh nghiệp vận hành còn có kế hoạch mở các đường bay đến thành phố Frankfurt (Đức), Liege (Bỉ), Doha (Qatar) và Osaka (Nhật Bản).
Ông Yang Daqing, Phó giám đốc nghiên cứu Liên đoàn Logítics và Thương mại Trung Quốc, cho biết vận tải hàng không chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong hệ thống giao thông toàn diện của đất nước tỷ dân. Hệ thống này chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của người tiêu dùng với sản phẩm công nghệ cao và chuỗi cung ứng lạnh.
"Phát triển kinh doanh vận tải hàng không quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa đường dài, thiết lập mạng lưới logistics quốc tế, nâng cao hiệu quả giao hàng xuyên biên giới", Phó giám đốc nhận định.
Cẩn Y (Theo China Daily)