Kiểm tra tình hình sản xuất tại Bắc Giang ngày 23/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Công ty Hosiden về cách thức huy động công nhân quay trở lại làm việc trong bối cảnh một số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt lao động khi phục hồi sản xuất.
Hosiden thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên), từng là một trong hai ổ dịch lớn nhất Bắc Giang hồi tháng 5; có hơn 5.100 công nhân, đa phần là người ngoại tỉnh. Hiện để thu hút lao động quay trở lại, Hosiden bố trí hơn 200 phòng trọ gần nhà máy cho lao động xa quê ở miễn phí. Mỗi công nhân được trả thêm 1,5 triệu đồng tháng đầu đi làm và một triệu đồng cho tháng tiếp theo.
"Công ty đã khôi phục hoàn toàn sản xuất", lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.
Báo cáo Phó thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Toàn tỉnh có 385 doanh nghiệp hoạt động tại sáu khu công nghiệp, tăng 23 công ty so với trước dịch. Khoảng 191.000 công nhân làm việc, tăng gần 41.000 người so với trước khi Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp lớn hối hả tăng ca, tăng kíp để kịp đơn hàng cuối năm, bù lại những ngày ngưng trệ do chống dịch.
Nhiều công ty hỗ trợ thu nhập 1-2 triệu đồng những tháng đầu tiên; lập đội xe đưa đón công nhân các tỉnh lân cận tới Bắc Giang. Sản xuất phục hồi, song doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc như chi phí vận chuyển cao, giá nguyên vật liệu tăng, nhất là trong mảng xây dựng.
Đánh giá cao tốc độ phục hồi sản xuất của Bắc Giang, Phó thủ tướng cho rằng có thể rút ra một số bài học từ cách làm. Doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phục hồi sản xuất, lo chỗ ở cho công nhân và hỗ trợ lao động quay lại làm việc. Chính quyền địa phương là điểm tựa, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ y tế, kiểm soát dịch bệnh để sản xuất sớm phục hồi. Song dịch bệnh còn phức tạp, Bắc Giang không được lơ là để dịch bệnh tái phát.
Từ các đợt dịch bùng phát trong công xưởng, nhà trọ, Phó thủ tướng lưu ý tỉnh cần rà soát vấn đề nhà ở cho công nhân. Tới đây khi xây dựng các khu công nghiệp mới, địa phương cần bố trí đất ở cho công nhân.
Bắc Giang là tâm dịch của cả nước hồi đầu tháng 5, chỉ 10 ngày sau khi phát hiện một ca nhiễm khởi phát trong nhà máy thuộc khu công nghiệp của huyện Việt Yên. Tỉnh phải tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng.
Việc tạm dừng bốn khu công nghiệp khiến Bắc Giang mất đi 2.000 tỷ đồng mỗi ngày. Cuối tháng 5, tỉnh mở cửa trở lại bốn khu công nghiệp, khôi phục dần hoạt động các nhà máy. Bắc Giang hiện là tỉnh có tổng kinh phí vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cao nhất, gần 296 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số tiền giải ngân cả nước từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê trên 22.700 doanh nghiệp cho thấy khoảng 17,8% doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động sau đợt dịch thứ tư. Doanh nghiệp thiếu hụt tập trung cao nhất ở Bình Dương 36,9%; Bình Phước 34,4% và TP Hồ Chí Minh 31,8%; Các ngành thiếu lao động nhiều nhất, gồm điện tử 55,6%, da giày 51,7%, may mặc 49,2%, sản xuất thiết bị điện 44,5%, dệt 39,5%.
Hồng Chiêu