Kể từ đầu năm, Công ty TNHH Khánh Trình cấp tập tuyển dụng thêm nhân sự bán hàng, marketing và sản xuất, khi lượng đơn đặt hàng sản phẩm xà đơn của công ty tăng mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử, website. Nhu cầu lớn về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tập thể dục tại nhà đã giúp doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng trong đại dịch. Hiện công ty lên kế hoạch tái khởi động một số thị trường trước đây tạm dừng do đại dịch như miền Trung, miền Nam và các nước EU, Nhật Bản.
"Thời điểm này, vấn đề nhân sự và logistics không khó khăn như trước. Đây là thời cơ để bứt tốc", đại diện Khánh Trình chia sẻ.
Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân IPSC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan chủ quản khởi động đầu năm nay.Với số vốn 36 triệu USD, IPSC hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, thông qua cung cấp các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Doanh nghiệp đăng ký nhận gói hỗ trợ miễn phí của dự án tại đây.
Đón đầu đà phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn gặp không ít thách thức trong đó lớn nhất đến từ chi phí, trước bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí nhân công tăng, cước phí vận chuyển quốc tế vẫn chưa "hạ nhiệt". "Công ty đang tăng giá bán tại một số thị trường có thể như Mỹ, Nhật và giữ giá bán ở các thị trường nhạy cảm hơn với giá như Việt Nam, EU, bên cạnh đó làm việc với các đối tác logistics để tìm kiếm mức giá vận chuyển quốc tế tốt nhất", CEO Khánh Trình chia sẻ.
Theo ông, khó khăn về tài chính là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt sau khi trải qua hai năm đại dịch, nhiều đơn vị bị thâm hụt chi phí, thậm chí phải đi vay.
Là startup về phần mềm giáo dục sớm cho trẻ nhỏ, Công ty CP Công nghệ Kids up Việt Nam cũng đạt tăng trưởng doanh thu 20% và mở rộng quy mô nhân sự gấp 2 lần sau 2 năm 'bão. Lúc này Kids up tính đến chuyện go global - mở rộng thị trường quốc tế.
Hiện thị phần của Kids Up tại Việt Nam là 11%, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng ra khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan..., CEO Vương Thành Chung chia sẻ.
"Việc triển khai kinh doanh tại nước ngoài không đơn giản, bởi đòi hỏi nghiên cứu sâu, hiểu biết rõ về thị trường như văn hóa, tư duy của bố mẹ, trình độ trẻ em ở các nước, nhu cầu thực tế... Doanh nghiệp cần khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong nước trước, sau đó hãy nghĩ tới mở rộng ra quốc tế", ông Chung bày tỏ.
Trong một khảo sát quy mô nhỏ về Nhu cầu của doanh nghiệp sau đại dịch của VnExpress, hai vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là mở rộng thị trường và nâng cao năng lực tài chính. Theo nhiều chuyên gia, đây cũng là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt. Bà Trần Như An, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nhận định hầu hết doanh nghiệp Việt, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ chưa thể cạnh tranh với đối thủ toàn cầu bởi chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm.
Trước thực trạng đó, dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) đã thiết kế và cung cấp các gói hỗ trợ miễn phí giúp doanh nghiệp Việt sớm phục hồi, thích ứng với bối cảnh sau dịch, mở rộng thị trường và năng cao năng lực tiếp cận các nguồn tài chính. Các gói hỗ trợ này đều được thiết kế dựa theo nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, đơn vị chủ quản là Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với tổng ngân sách 36 triệu đôla Mỹ, IPSC hỗ trợ kỹ thuật mang tính tổng thể xuyên suốt 5 năm, với mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 5,000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng.
Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký gói Mở rộng thị trường sẽ được đội ngũ các chuyên gia hàng đầu từ dự án hướng dẫn, đào tạo 1-1, tạo cơ hội đa dạng kênh phân phối, xây dựng kế hoạch tiếp thị và bán hàng, triển khai và tối ưu hoá trên từng kênh.
Các chuyên gia cũng sẽ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc tài chính, tiếp cận các sản phẩm tài chính đa dạng, tư vấn công cụ tài chính, công cụ tự đánh giá tài chính, hiểu biết về xếp hạng tín dụng của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp thông qua gói nâng cao năng lực tài chính.
Bên cạnh đó, dư án cung cấp các gói hỗ trợ để doanh nghiệp lựa chọn và đăng ký tham gia như Gói thích ứng và tăng trưởng; Gói nâng tầm giá trị Việt; Gói số hoá hoạt động doanh nghiệp; Gói giá trị Việt vươn ra thế giới; Gói kết nối mạng lưới phát triển dịch vụ dành cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh.
Phong Vân