Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đang tăng nhập hàng chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm cuối năm nhưng lượng hàng thiếu hụt. Trong khi đó, nhiều loại thủy sản đủ chuẩn xuất khẩu lại chưa đủ cơ sở pháp lý để bán nội địa.
Do đó, doanh nghiệp và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quy định giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MRPLs) đối với kháng sinh Enrofloxacin - Ciprofloxaxin trong thủy sản.
Cụ thể, hiệp hội kiến nghị Bộ ban hành mức MRPLs đối với 2 kháng sinh trên cho sản phẩm thủy sản là 10 µg trên một kg, tương đương thủy sản xuất khẩu. Nếu quy định này được bổ sung, các nhà bán lẻ nội địa mới chấp nhận bán các lô hàng thuỷ sản dành cho xuất khẩu. Trước đó, nhà bán lẻ chỉ chấp nhận các lô hàng thủy sản không có Enrofloxacin và Ciprofloxacin, tức yêu cầu cao hơn các lô xuất khẩu.
Từ cuối tháng 5 đến nay, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam giãn cách bởi dịch bệnh, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thuỷ sản khá khó khăn. Nhiều thị trường lớn như EU, Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng hoá.
Mặt khác, nhiều nước nhập khẩu không thực hiện thanh tra thực tế dẫn đến chậm bổ sung cơ sở vào danh sách được phép xuất khẩu hoặc giải quyết vướng mắc. Trong khi một số nước tăng cường kiểm tra các chỉ tiêu bệnh, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; áp dụng các chuẩn mực riêng...
Hàng năm, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vẫn chiếm 80-90% tổng lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác, chỉ 10-5% phục vụ tiêu dùng nội địa.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, sản lượng thủy sản quý III ước tính đạt gần 2,3 triệu tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt hơn 6,3 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3 triệu tấn, tăng 0,7%.
Hồng Châu