Savills Việt Nam cho rằng, ngành thương mại sẽ phục hồi mạnh hơn vào những tháng cuối năm bởi đây là thời điểm trùng với nhiều lễ hội, nhu cầu mua của người dân nói chung sẽ gia tăng. Trong đó, tăng trưởng chủ yếu là từ kênh bán hàng trực tuyến và nhóm nhu cầu cho những nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và ngành hàng phục vụ nhu cầu học tập - làm việc trực tuyến.
Quý IV được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành thương mại bán lẻ có các dấu hiệu tích cực hơn. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh hoạt động, hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Savills, lúc này, các doanh nghiệp này cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả, cần nắm bắt và tận dụng cơ hội.
Ông Thế Bình - chủ một doanh nghiệp phân phối sản phẩm thủy hải sản sau chế biến tại Nha Trang cho biết, dịp cuối năm doanh nghiệp cần gấp đôi nguồn vốn. "Từ tháng 10 đến tháng 12, lượng hàng xuất có thể tăng lên vài trăm tấn mỗi tháng, vì thế nguồn vốn ngắn hạn để doanh nghiệp chủ động nhận đơn hàng, chuẩn bị cho đầu ra rất cần thiết", ông Bình chia sẻ. Thực tế, công ty của ông mới chỉ chủ động được khoảng 50% vốn, từ đợt cuối quý III tới giờ cần vay thêm khoảng vài chục tỷ đồng.
Bà Mai Ánh Nguyệt - chủ một công ty phân phối bánh pía Sóc Trăng chia sẻ, công ty rất cần vốn để sản xuất vụ cuối năm, nhưng với gói vay ưu đãi, ngân hàng có quá nhiều điều kiện như yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả thi... Hơn nữa, mức lãi suất ưu đãi ban đầu chỉ áp dụng trong vài tháng, sau đó sẽ điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng và điều chỉnh định kỳ. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ có thể vay vốn lên tới hơn 9% một năm. Dù đã lường trước "bài toán" khó và có kế hoạch tiếp cận vốn từ quý III nhưng bà Nguyệt vẫn chưa tìm được lời giải phù hợp cho các mùa cao điểm tiếp theo.
Thời gian qua, loạt ngân hàng đã có những chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp theo nhằm đón "mùa" cao điểm kinh doanh cuối năm. Nhiều ngân hàng thương mại cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Ðiều này cũng đồng nghĩa dòng vốn rẻ đã sẵn sàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm, nhưng để đến được với doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Vậy, doanh nghiệp thương mại đã có sự chuẩn bị như thế nào về nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp cao điểm cuối năm? Giải pháp để tối ưu sức khỏe tài chính cho các mùa cao điểm năm sau cũng như tạo tiền đề sức khỏe tài chính cho một năm 2022 bứt tốc? Các ngân hàng đã có những sản phẩm hay chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp ngành này trong dịp này? Những vấn đề này sẽ được thảo luận bởi các chuyên gia tại tọa đàm: "Giải pháp vốn lưu động cho doanh nghiệp thương mại giai đoạn cuối năm" lúc 14h30, ngày 15/12 trên VnExpress và nền tảng mạng xã hội.
Tham gia tọa đàm có Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ. Tiến sĩ thường xuyên được Chính phủ mời tham vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách, kinh tế vĩ mô và ngành tài chính ngân hàng. Tại sự kiện, chuyên gia sẽ chia sẻ những hạn chế của doanh nghiệp thương mại khi vay vốn ngân hàng hay sai lầm trong quản trị dòng tiền và cách khắc phục.
Đồng hành cùng Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu tại tọa đàm lần này là ông Nguyễn Tiến Đức - Phó tổng giám đốc Ngân hàng doanh nghiệp - Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB). Ở góc độ đại diện phía ngân hàng, ông Nguyễn Tiến Đức sẽ có những tư vấn cụ thể về giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp trong những dịp cao điểm.
Tọa đàm gồm hai phần. Phần một chuyên gia bàn về "Tiềm năng ngành thương mại, tiêu dùng nhanh cuối năm và thách thức của doanh nghiệp cùng ngành". Phần hai là "Giải pháp về nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp thương mại".
Độc giả quan tâm đặt câu hỏi tại đây. |
Huyền Anh