Các công ty thu gom rác, phế liệu để tái chế của Mỹ đang phải tốn nhiều chi phí hơn và thay đổi nhiều hoạt động kinh doanh sau khi Trung Quốc ban hành lệnh ngừng nhập khẩu nhiều loại phế liệu. Trước đó, phần lớn rác, phế liệu tại Mỹ được chuyển tới Trung Quốc để tái chế suốt hàng chục năm qua.
Gần đây, hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này tại Mỹ là Waste Management và Republic Services đã rút lại dự báo lợi nhuận vì lệnh cấm của Trung Quốc. Đồng thời, động thái từ Bắc Kinh cũng khiến giá phế liệu trên toàn cầu giảm mạnh.
“Hiện tại, chúng tôi không chuyển được gì tới Trung Quốc. Mô hình kinh tế của chúng tôi hoàn toàn đảo lộn”, Richard Coupland – Phó chủ tịch Republic Services cho biết.
Republic Services xử lý khoảng 6 triệu tấn giấy, thủy tinh, nhựa và nhiều vật khác để tái chế mỗi năm. Công ty này có hợp đồng với khoảng 2.400 thành phố tại 40 bang của Mỹ và Puerto Rico.
Theo Viện công nghệ tái chế phế liệu Mỹ (ISRI), 31% phế liệu, trị giá 5,6 tỷ USD của Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái. Trong đó, khoảng 40% số này do Republic Services xử lý và bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc để tái chế thành những chiếc hộp mới, bao bì, đồ chơi và nhiều sản phẩm khác.
Theo Coupland, trước đây, việc chuyển phế liệu tới Trung Quốc tốn rất ít chi phí vì các hãng tàu thường giảm giá các chuyến hàng tới châu Á sau khi họ cập các cảng tại Mỹ để trả các loại hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc giờ phức tạp hơn.
Coupland cho biết, công ty ông đã tìm được những người mua mới tại Malaysia, Ấn Độ và một số nước khác nhưng có ít chuyến tàu đi thẳng tới các thị trường này từ Mỹ, làm chi phí vận chuyển tăng lên.
“Những quy định mới của Trung Quốc làm tăng rào cản với những loại phế thải nhập khẩu chứa các chất gây ô nhiễm. Vì vậy, những doanh nghiệp thu gom phế thải tại Mỹ sẽ phải nâng cấp thiết bị và thuê thêm nhiều công nhân hơn để đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe này”, Coupland nói.
Anh Tú (theo WSJ)