Trong buổi tọa đàm trực tuyến "Mô hình làm việc thời đại mới" trên VnExpress, ông Phạm Quang Cường, đồng sáng lập Eureka Robotics (Singapore) nói: "Thời điểm này một năm trước trong các doanh nghiệp, có lẽ câu nói được mọi người nghe nhiều nhất là ;Alo! Anh có nghe rõ tôi nói không' hay 'chị tắt mic đi cho khỏi ồn nhé'. Còn bây giờ, đa số đã có thói quen làm việc từ xa".
Vị này nhận định, về mặt công nghệ, không có gì cản trở Hybrid Workplace trở thành mô hình làm việc trong tương lai. Đây là mô hình làm việc hỗn hợp, kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng truyền thống.
Hay như Á hậu Quốc tế Thúy Vân - Nhà sáng lập Quỹ Inspired By SHE, CEO Cesium Entertainment, sau các đợt giãn cách xã hội các nghệ sĩ nói riêng và những người sáng tạo nội dung biết về công nghệ nhiều hơn. Khi chỉ có thể kết nối với khán giả qua hình thức online, buộc mọi người phải tự thích ứng để có những nội dung sáng tạo mang đến cho khán giả.
Tương tự, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT cho biết, Hybrid Workplace không phải mới sinh ra trong đại dịch, nhưng Covid-19 là yếu tố giúp đẩy nhanh tiến độ, buộc các công ty muốn tồn tại thì phải thích nghi. Giải pháp công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong mô hình Hybrid Workplace, giúp nhân viên của các công ty có thể ở nhà nhưng vấn làm việc từ xa được, ông Tú nhấn mạnh.
Theo một khảo sát về mức độ ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư do FPT và Base.vn thực hiện, có 53% doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực phải tạm ngừng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh. Hơn 60% trong số đó đã chuyển đổi mô hình kinh doanh khi vận hành từ xa, đảm bảo giãn cách xã hội. Đồng thời, mô hình hybrid working, tự động hóa, tối ưu quy trình nội bộ, quản lý nhân sự... đang được nhiều doanh nghiệp triển khai, nhằm đảm bảo kinh doanh không gián đoạn.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, ông Phạm Văn Tam, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Asanzo cho biết, doanh nghiệp từng có những khó khăn ban đầu, nhưng mô hình làm việc mới đã khiến mọi người thay đổi, làm việc khoa học hơn, tính tự giác cao hơn.
"Trước đây, nhân viên thường đi lại trong nhà máy để lấy nguyên vật liệu một cách tự phát, không theo trình tự. Nhưng khi đại dịch xảy ra, mọi người phải đi theo lộ trình thiết kế riêng với dây chuyền, máy móc, xác nhận bằng chữ ký số để nhận đơn hàng, đưa vào sản xuất", ông Tam nói. "Tất cả nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc, quy trình được số hóa để năng suất lao động cao hơn. Chúng tôi từng bỏ ra rất nhiều tiền để thuê chuyên gia hướng dẫn tự động hóa. Hiện mọi người đã có ý thức hơn trong việc này, tự học hỏi lẫn nhau mà không cần áp lực từ ban quản lý".
Những diễn giả tại buổi tọa đàm đều nhận định làm việc từ xa sẽ là bình thường mới. Văn phòng của Eureka Robotics tại Singapore và Pháp vẫn đang áp dụng mô hình hybrid workplace dù cho dịch được kiểm soát, chính phủ cho phép các doanh nghiệp có thể trở lại văn phòng bình thường. Ông Phạm Quang Cường cho rằng, chỉ những ai thực sự cần thiết mới phải đến công ty, còn làm việc từ xa sẽ là bình thường mới.
Đón đầu xu thế trên và chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp, tập đoàn FPT đã công bố bộ giải pháp số FPT eCovax gồm 4 giải pháp: FPT eContract (Hợp đồng điện tử), FPT.CA (Chữ ký số), Tổng đài Oncall và Base Request (Quản lý phê duyệt và đề xuất). Đây là những giải pháp được FPT kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp đảm bảo vận hành trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách, từ đó thúc đẩy nhanh hơn xu hướng số hóa trong cộng đồng doanh nghiệp.
Theo tính toán của tập đoàn này, bộ giải pháp số FPT eCovax có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm 80-90% thời gian, 85% chi phí xử lý công việc.
Các diễn giả trong tọa đàm đưa ra nhận định, kể cả khi dịch bệnh lắng xuống, cuộc sống trở lại bình thường thì cách thức giao tiếp, làm việc sẽ khác đi nhiều. Điều này sẽ đến từ việc mọi người đã quen với phương thức làm việc mới, trang bị cho bản thân những kĩ năng cần thiết. Ngoài ra, các doanh nghiệp và người lao động đều nhận thấy lợi ích từ mô hình làm việc từ xa mang lại.
Tuấn Vũ