Tổng cộng 58 tổ chức, cá nhân bao gồm chủ các trang trại, hợp tác xã, startup nông nghiệp, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, cung ứng nguyên liệu - dịch vụ… đã có nghi thức đọc lời thề cam kết sản xuất thực phẩm sạch trong buổi đại hội thành lập Hội thực phẩm minh bạch (AFT) vào sáng 22/11 tại TP HCM.
Tổ chức này được Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập vào cuối tháng 7 vừa qua, sau quá trình vận động thành lập kéo dài 17 tháng. Hoạt động chính của hội này bao gồm liên kết các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy cải tạo nền sản xuất thực phẩm minh mạch.
Do đó, theo ban vận động thành lập, nghi thức tuyên thệ là nghi thức được quy định bắt buộc khi hội viên gia nhập nhằm thể hiện trách nhiệm và danh dự. Lời tuyên thệ bao gồm 5 cam kết liên quan đến minh bạch thực phẩm vì uy tín, thương hiệu và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài đọc lời thề, để được kết nạp, các doanh nghiệp tham gia AFT phải có các chứng nhận liên quan đến chất lượng sản phẩm như HACCP, GLOBAL GAP, VIET GAP, chứng nhận Hữu cơ, chứng nhận Đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… 100% hội viên phải cung cấp thông tin đúng như đã thực hiện trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.
“Thực phẩm có thực sự mất an toàn như chúng ta hoang mang hay không thì phải cần những số liệu cụ thể để minh chứng. Nhưng đúng là người tiêu dùng đang mất lòng tin. Với sự ra đời của hiệp hội cùng các tiêu chí cũng như lời thề của hội viên thì chúng tôi hy vọng thời gian tới hội sẽ cùng với cơ quan nhà nước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng”, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM nhận xét khi chứng kiến.
Theo kế hoạch hoạt động 2 năm tới, AFT sẽ thực hiện kiểm tra và chứng nhận đạt chuẩn “Hướng hữu cơ” và “Thuận tự nhiên”. Đây là hai tiêu chuẩn riêng của AFT dùng ứng dụng cho những đơn vị canh tác nhỏ, đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể về sản xuất sạch nhưng không đủ quy mô và khả năng để tiếp cận các chuẩn quốc tế. Tháng 4 năm sau, sản phẩm của hội viên dự kiến sẽ có một nhãn hiệu AFT chung.
Bình luận về sự ra đời của AFT, Giáo sư Phan Văn Trường, một chuyên gia về nông nghiệp và là cố vấn thương mại của chính phủ Pháp cho rằng, để xác nhận thực phẩm chất lượng thì các nước khác hình thành những hiệp hội của người tiêu dùng đúng nghĩa và đủ mạnh. Trong khi đó, một tổ chức của doanh nghiệp với các thành viên hoạt động vì lợi nhuận, tự chứng nhận chất lượng thì chưa thuyết phục bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam thì sơ khởi này cũng là điều đáng mừng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản được bầu làm chủ tịch AFT. Trả lời về bình luận của Giáo sư Trường, bà ủng hộ mô hình mà quốc tế đang thực hiện và cho biết nhiều nước phát triển cả hai tổ chức song song, đại diện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có những hội của doanh nghiệp vẫn đủ uy tín để cam kết chất lượng cho hàng hóa hội viên. Đây là điều AFT hướng đến.
Trong bối cảnh "tranh tối tranh sáng" của thị trường thực phẩm ở Việt Nam thì đầu tư vào mảng thực phẩm sạch là một địa hạt hấp dẫn. Ngoài việc ra đời các tổ chức liên kết sản xuất an toàn, các đơn vị phụ trợ cho thị trường này cũng đang ăn nên làm ra.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo – Giám đốc công ty Rồng Xanh, nhà cung cấp vòng niêm phong cho dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM cho biết 5 triệu chiếc vòng đã được bán ra sau một năm triển khai. Công ty này vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với Unisto (Thụy Sỹ) để thành lập liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất dụng cụ niêm phong nhằm đón đầu nhu cầu truy xuất nguồn gốc thịt.
“Chúng tôi đang rất lạc quan về nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường thịt heo sạch. Quyết định hợp tác đầu tư này cũng là nhằm đón đầu tiềm năng đó. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm địa điểm để xây nhà máy tại TP HCM”, bà Thảo cho biết.
Viễn Thông