Tạp chí Time từng nhận xét CEO là lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ và quốc gia này có thể là lò đào tạo lý tưởng nhất cho lãnh đạo toàn cầu. Giá trị các doanh nghiệp được điều hành bởi 10 CEO gốc Ấn còn vượt cả tổng kim ngạch xuất khẩu nước này (khoảng 325 tỷ USD năm tài chính 2013). Những công ty này gồm: Microsoft, PepsiCo, ArcelorMittal, Deutsche Bank, Diageo, Reckitt Benckiser, MasterCard, DBS Group, SanDisk, Global Foudries và Adobe. Trước đây, cả Citigroup, Vodafone và Motorola cũng từng có CEO gốc Ấn.
Thoạt nhìn, những điểm chung của họ không nói lên được nhiều điều. Tất cả đều trong độ tuổi 40-50 - thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp quản lý. Ngoài bằng đại học trong nước, những người này còn tốt nghiệp thêm các trường ở Anh hay Mỹ, do tất cả đều là người nhập cư.
Tiểu sử của những người này cũng rất khác nhau. Họ đến từ nhiều vùng tại Ấn Độ. Đồng CEO Deutsche Bank - Anshu Jain sinh ra tại Jaipur. Trong khi Indra Nooyi - CEO Pepsi lại sinh ra tại Chennai, cách đó hơn 2.000 km. Một số CEO, như Nooyi, Ajay Banga của Mastercard hay Ivan Menezes của Diageo học tại Học viện quản lý Ấn Độ - trường học được Chính phủ nước này thành lập từ thập niên 60. Còn lại phần lớn thì không. Một số có bằng kỹ thuật, trong khi số khác học kinh tế và quản trị kinh doanh.
Tuy nhiên theo Bloomberg, hẳn phải có một lý do nào đó mà chỉ người Ấn Độ, chứ không phải Trung Quốc hay Nga, mới đứng đầu nhiều doanh nghiệp lớn nhu vậy. Câu trả lời nằm trong văn hóa điều hành của các CEO nước này.
Nghiên cứu của Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ) cho thấy các lãnh đạo Ấn Độ có xu hướng quản lý theo hướng ủy quyền cho nhân viên và xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với cấp dưới. "Phong cách quản lý của Ấn Độ nhấn mạnh vào xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp trên và cấp dưới. Cảm giác được công ty quan tâm khiến nhân viên trung thành hơn và giúp cải thiện hoạt động kinh doanh", báo cáo cho biết.
Trên thực tế, trong các CEO Ấn Độ, không ai có phong cách quản lý độc tài. Bà Nooyi từng cho biết: "Bạn cần phải nhìn vào nhân viên của mình và nói: ‘Tôi biết rằng bạn còn có cuộc sống bên ngoài công việc, và tôi tôn trọng bạn như một người bình thường, chứ không chỉ là nhân viên mã số 4.567". Khi Nadella được chọn thay thế Steve Ballmer tại Microsoft, địa vị cao của ông trong mắt các nhân viên công ty cũng được coi là một trong những thế mạnh lớn.
Một nghiên cứu năm 2007 của Đại học Southern New Hampshire đã so sánh các CEO Ấn Độ với đồng nghiệp Mỹ và chỉ ra rằng họ khiêm tốn hơn. Không phải tình cờ mà trong email đầu tiên của Nadella gửi nhân viên Microsoft, ông lại viết: "Đây vẫn là một ngày bình thường với tôi".
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra các CEO Ấn Độ có tầm nhìn xa và tập trung vào chiến lược dài hạn. Narayen của Adobe từng phát biểu: "Nếu anh có thể nối tất cả những điểm mình nhìn thấy hôm nay và mục tiêu trong tương lai, việc đó vẫn chưa đủ tham vọng". Trong email, Nadella cũng cho biết: "Chúng ta cần tin tưởng vào cái được cho là bất khả thi và loại bỏ yếu tố không chắc chắn".
Có lẽ điều quan trọng nhất là giúp các lãnh đạo Ấn Độ leo lên đỉnh quyền lực là tinh thần bền bỉ. Phần lớn những người được đề cập ở trên đều phải trải qua nhiều cấp bậc trong công ty, học hỏi việc kinh doanh từ mọi góc độ. Nooyi gia nhập Pepsi từ năm 1994, Jain bắt đầu làm việc tại Deutsche Bank một năm sau đó. Menezes vào Diageo từ năm 1997, Narayen được Adobe nhận vào từ năm1998, còn Nadella đã cống hiến cho Microsoft suốt 22 năm.
Theo Bloomberg, những đặc điểm của CEO Ấn Độ không phải là điều gì đó quá đặc trưng, chỉ nước này mới có. Tuy nhiên, chúng lại đang giúp nước này hình thành một "câu lạc bộ" những người thành đạt trong giới doanh nhân toàn cầu.
Hà Thu