Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng mới đây trưng ra nhiều giấy tờ để bác thông tin Bí thư Thành ủy đi xe biển số giả. Trong số giấy tờ này, có hóa đơn giá trị gia tăng ghi chiếc Toyota Avalon Limited 5 chỗ giá 1,3 tỷ đồng (đã bao gồm 118 triệu đồng tiền thuế) và dòng chữ "xe cho, biếu, tặng không thu tiền".
Ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, cho biết ôtô Toyota do một doanh nghiệp tặng Thành ủy để phục vụ cho công việc chung. Ngoài xe này, theo ông Bằng, doanh nghiệp còn tặng thành phố 7 chiếc xe khác, gồm các hãng Mercedes, Land Cruiser.
Việc doanh nghiệp tặng xe cho Đà Nẵng diễn ra "cách đây cả chục năm". Hiện UBND TP Đà Nẵng đang sử dụng 4 chiếc, còn 4 chiếc do Thành ủy Đà Nẵng sử dụng. "Trước đây có tiền lệ rồi, ngân sách thành phố khó khăn, doanh nghiệp làm ăn được nên hỗ trợ thành phố vì mục đích chung", ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Xuân Anh khi làm Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng hồi tháng 4/2014 đã sử dụng một chiếc xe đời 1996, là xe cấp riêng cho cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Được, từ khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó khi lên Bí thư, có một vài lần được bố trí xe khác, nhưng đều là xe đời cũ và ông "không đòi hỏi phải là xe gì".
Xe Toyota do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng là xe doanh nghiệp tặng cho thành phố. Ảnh: N.Đ. |
Tháng 2/2016, văn phòng Thành ủy bố trí chiếc Toyota doanh nghiệp tặng cho Bí thư Thành ủy. "Lúc đó anh em văn phòng nói bố trí ngân sách mua xe theo quy định, nhưng tôi bảo cắt, đừng dùng tiên ngân sách nữa", ông Xuân Anh nói và cho biết biển biển số 299.99 được cấp theo quy định.
"Từ khi tôi làm Bí thư, ngân sách thành phố chưa bỏ một đồng nào mua xe cho tôi đi. Theo tiêu chuẩn, Thành ủy phải trang bị cho tôi một cái xe, chí ít là xe Camry 2.5 theo tiêu chuẩn chung, khoảng hơn 1,1 tỷ đồng", ông Xuân Anh nói và cho biết dịp cuối tuần ông lái xe riêng của gia đình, không sử dụng xe công.
Đặt ra câu hỏi "có tiêu cực không?", ông Xuân Anh trả lời: "Tôi cho là doanh nghiệp tặng xe vì mục đích chung. Với trị giá đó, nếu tiêu cực thì ai lại tặng xe". Bí thư Đà Nẵng cũng cho biết, có nhiều tỷ phú đến Đà Nẵng để tiếp xúc đầu tư đã yêu cầu đưa đón bằng xe sang. Thành phố không có nên phải đi mượn xe của doanh nghiệp. Qua đó, cũng có doanh nghiệp mở lời và tặng xe.
Luật sư Đỗ Pháp (Trưởng văn phòng luật sư cùng tên tại Đà Nẵng), cho biết việc doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan nhà nước, trong quy định về tặng cho hợp pháp thì không vi phạm, vì đó là quan hệ dân sự giữa các bên đồng thuận với nhau.
Tuy nhiên, như dư luận đang đặt ra là phải xem xét động cơ, tính chất tặng xe của doanh nghiệp như thế nào. "Cái này phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, không áp đặt được", ông Pháp nói.
Luật sư cũng cho rằng, trong bất kỳ quan hệ nào cũng không thể trọn vẹn được. Doanh nghiệp thông qua việc tặng xe cũng muốn thể hiện tình cảm với chính quyền, vì cái gì tặng cũng có mục đích. "Người ta vừa ý định tốt là muốn đóng góp xây dựng cho thành phố, nhưng cũng muốn tạo quan hệ thân thiện, muốn để chứng tỏ thương hiệu của mình... ", ông Pháp phân tích.
Nêu quan điểm "không ai cho không ai cái gì", ông Pháp cho rằng chính quyền cũng cần phải thận trọng trong việc nhận xe từ doanh nghiệp biếu tặng, không để tình trạng thân thiết với doanh nghiệp này mà ưu đãi hay làm bất lợi cho doanh nghiệp khác.
Nguyễn Đông