Vài ngày qua, các hãng bán lẻ và công ty sản xuất tại Mỹ thúc giục các đối tác vận chuyển "lấy hàng trước hạn" để chuẩn bị cho khả năng chính sách thuế nhập khẩu thay đổi.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% với toàn bộ hàng vào Mỹ. Con số này với riêng Trung Quốc là 60-100%.
"Kịch bản năm 2018 đang lặp lại", Paul Brashier - Phó giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng toàn cầu tại công ty ITS Logistics cho biết.
2018 là thời điểm Trump bắt đầu áp loạt thuế lên hàng nhập khẩu vào Mỹ. "Lần này không chỉ giới hạn với hàng Trung Quốc. Lời đe dọa áp thuế đang khiến doanh nghiệp phải gấp rút nhập hàng từ mọi nơi trên thế giới", Brashier nói.
Ông dự báo chiến thắng của Trump sẽ khiến nhu cầu container và tàu hàng tăng cao, kéo theo nguy cơ cước vận chuyển, thuê xe tải và kho bãi leo thang. Lars Jensen - CEO Vespucci Maritime cũng cho rằng trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu bằng container sẽ tăng vọt khi các công ty Mỹ tích trữ hàng trước thuế.
"Việc này tạo sức ép lên cước nhập khẩu vài tháng tới", ông nói.
Theo nền tảng dữ liệu Xeneta, hoạt động lấy hàng sớm khi Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc năm 2018 khiến cước vận tải biển bằng container tăng hơn 70%. Trên CNBC, Peter Sand - nhà phân tích tại Xeneta dự báo mức tăng lần này cũng tương tự. Thậm chí, nỗi sợ Trump dọa áp thuế lên tới 100% với hàng Trung Quốc, thay vì 25% như năm 2018, sẽ khiến nhu cầu lấy hàng sớm "lớn hơn nhiều".
Tuy nhiên, cổ phiếu các hãng vận tải biển lại lao dốc trong phiên 6/11, mạnh nhất là đại gia vận tải biển Maersk (Đan Mạch). Diễn biến này bất chấp tiêu dùng tại Mỹ vẫn mạnh và nhu cầu lấy hàng trước giúp cước vận tải tăng.
Giới phân tích cho rằng các mã này lao dốc do lo ngại thương mại đi xuống khi giá cả tăng cao. Tuy nhiên, việc này không xảy ra trong năm 2018 và 2019. Vì thế, "nguyên nhân chính gây ra diễn biến do tình hình thiếu chắc chắn", Ben Slupecki - nhà phân tích tại Morningstar nhận định.
Ông cho rằng thuế nhập khẩu sẽ gây ra sự bất ổn, nhưng chưa chắc tác động tiêu cực đến các hãng vận tải biển. Năm 2018 và 2019, hoạt động thương mại của Mỹ vẫn sôi động.
Omar Nokta - nhà phân tích tại Jefferies cho rằng làn sóng đặt hàng trước của các hãng bán lẻ sẽ có lợi cho các nhà vận tải biển. Tuy nhiên, trong dài hạn, triển vọng của hoạt động thương mại còn thiếu chắc chắn.
"Kim ngạch thương mại toàn cầu năm nay dự báo gấp 20 lần mức tăng GDP. Năm sau, tỷ lệ này có thể về 10, hoặc thậm chí thấp hơn nếu thuế nhập khẩu làm thay đổi bản đồ thương mại toàn cầu", ông cảnh báo.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)