Trong lúc người tiêu dùng Hà Nội còn lo ngại "tiền mất tật mang" vì sữa, một số công ty Ba Vì, Phù Đổng, Quốc tế, Mac Chocolate đã triển khai hình thức bán hàng lưu động, đưa sữa đến tận tay người tiêu dùng. Bằng cách này, doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng, hy vọng xóa dần nỗi hoang mang của họ. Ông Lê Tuấn Lệ, đại diện thương mại Công ty cổ phần sữa Quốc tế thừa nhận bán rong sữa là việc "xưa nay hiếm" ở công ty, nhưng doanh thu tháng 9 nhờ đó đã nhích thêm 5% so với tháng 8.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong sự cố này, Công ty thực phẩm Anco Food phải gấp rút triển khai các kế hoạch để khôi phục thị phần. Theo Giám đốc PR Đinh Thị Kim Hoa, hiện Anco chưa tính chuyện làm thương hiệu, mà trước mắt đầu tư vào kênh phân phối, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, cử nhân viên tới các gian hàng của siêu thị để tham gia bán hàng. Đồng thời, Anco cũng phát triển các chương trình khuyến mãi, chấp nhận lỗ.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu, doanh nghiệp vẫn giữ lượng sữa thu mua từ các hộ chăn nuôi. Giám đốc công ty Nguyễn Hoàng Dương cho biết, mỗi ngày Anco thu mua khoảng 2 tấn sữa từ các huyện Ba Vì (Hà Nội) và Mộc Châu (Sơn La). Anco Food đang đẩy mạnh kế hoạch PR, giới thiệu những tác dụng của sữa chua và sữa thanh trùng, hai sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất. Vụ melamine vừa qua cuốn trôi mất hơn 50% doanh thu của hãng. Từ gần một tuần nay, con số này đã hồi phục được đôi chút, tăng 5% so với thời điểm ảm đạm hai tuần trước.
Sữa đuợc chứng nhận an toàn tại siêu thị. Ảnh: P.V. |
Từ cuối tuần trước, Hanoi Milk cho chạy các chương trình xúc tiến bán hàng, cắm nhân viên ở các điểm phân phối để giới thiệu sản phẩm, mang hàng đến tận nơi cho khách. Ông Ngô Trọng Hùng, Giám đốc Marketting không nén được tiếng thở dài: "Doanh nghiệp cũng là một nạn nhân trong vụ này. Nhưng nếu bó tay là chấp nhận thất bại hoàn toàn". Hoạt động kinh doanh, phân phối đến các siêu thị, đại lý đang dần bình phục.
Dù đã tự nguyện đưa mẫu sữa đi kiểm định và được chứng thực an toàn nhưng các doanh nghiệp như Dutch Lady, Vinamilk cũng đang ráo riết tìm cách níu chân khách hàng. Theo đại diện phân phối của Công ty Friesland Food chuyên phân phối sữa Dutch Lady, cách đây khoảng ba tuần, doanh số của họ giảm đến 30%. Nhưng từ gần một tuần nay, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục. Sữa bột nguyên kem Cô gái Hà Lan và sữa tươi tiệt trùng Dutch Lady được nhiều khách lựa chọn hơn.
Thị trường sữa đang có sự sàng lọc, khách hàng sẽ không còn bất an vì sữa. Ảnh: P.V. |
Trong khi đó, tại các siêu thị Hapro, BigC, Intimex (Hà Nội), "thượng đế" được phục vụ rất tận tình. Khách còn cách xa quầy sữa, nhân viên tại Hapro đã đon đả mời chào: "Sữa ở đây đã được chứng nhận kiểm nghiệm không chứa melamine do Viện Dinh dưỡng kiểm định và kết quả thanh tra ATVSTP của thanh tra Bộ Y tế. Chị cứ yên tâm mua hàng".
Anh Lê Trọng Hào, phụ trách thu mua của siêu thị hồ hởi khoe tại hệ thống này, bình quân doanh thu mỗi ngày từ các sản phẩm sữa cũng được hơn 100 triệu đồng. So với những ngày đắt hàng trước khi xảy ra vụ melamine, doanh thu hiện vẫn giảm 10%, nhưng đã hồi phục đáng kể so với hai tuần trước.
Còn tại BigC do duy trì được lượng khách hàng khá ổn định nên doanh số sụt giảm không đáng kể so với trước khi xảy ra vụ melamine. Đại diện gian hàng thực phẩm tại đây tiết lộ bình quân mỗi ngày siêu thị này cũng thu về 25-30 triệu đồng từ các loại sữa. Trong mấy ngày cuối tuần qua, doanh số đã nhỉnh hơn so với tuần trước 5-10%, dù vẫn thấp hơn so với trong tháng 8 khoảng 3-5 triệu đồng mỗi ngày. Anh này cho biết, sữa bột nhập ngoại như Abbott, Mead Johnson, Friso, Dumex và những sản phẩm sữa nội như Vinamilk, Dutch Lady, sữa tươi Mộc Châu, Ba Vì vẫn được khách tin dùng.
Quầy sữa tại trung tâm thương mại Cầu Giấy cũng đang sắp xếp lại các sản phẩm. Nhân viên bán hàng cho biết sẽ tiếp tục nhận hàng của các công ty Hanoi Milk, Anco Food sau khi có kết quả kiểm định.
Trước đó khoảng hai tuần, các đại lý trên phố Trần Huy Liệu, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Đội Cấn, còn vắng ngắt, thì đến hai ngày cuối tuần qua đã có khách đến thăm. Chị Hoa, chủ đại lý sữa trên phố Trần Huy Liệu cho biết, mất gần hai tuần không có khách ngó nghiêng, nhiều sản phẩm sữa chua, sữa tươi đóng chai tại quầy phải đem bỏ đi vì để lâu, không đảm bảo chất lượng. "Tôi cũng chịu thiệt đến mấy triệu. Những ngày gần đây, khách quen đều đã trở lại cửa hàng", chị tâm sự.
Thanh Phương