Tại đại hội cổ đông cuối tháng 6, Công ty cổ phần Kinh Đô (Mã CK: KDC) tuyên bố cuối quý III năm nay sẽ tung ra sản phẩm mì gói đầu tay.
Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, đã nhìn thấy được tiềm năng của ngành này cách đây 5 năm. Theo nghiên cứu của Công ty, đến 2017 thị trường này vẫn sẽ tăng trưởng mạnh. Công ty đang hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong (với thương hiệu A-One) để sản xuất.
![1.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/07/03/1-4589-1404368668.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tK7AG_xtvQKY1ZRH3nuLug)
Việt Nam là thị trường đứng thứ 4 về tiêu thụ mì gói trên thế giới. Ảnh: Hồng Châu.
Đối với hợp tác này, Kinh Đô không đầu tư vốn mà là hợp tác 2 bên cùng có lợi. Theo đó, sản phẩm mì gói của Kinh Đô sẽ do công ty nghiên cứu và đưa ra công thức riêng và sẽ sử dụng công nghệ tại nhà máy của Vewong để sản xuất ra sản phẩm. Kinh đô sẽ sử dụng 200 cửa hàng của chính họ để phân phối sản phẩm trên toàn quốc.
“Mặc dù bánh kẹo vẫn là một trong những hạng mục kinh doanh chủ lực đem lại lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, thời gian gần đây mảng này tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, thị trường mì gói đang rất hấp dẫn nên việc mở rộng đầu tư vào mì là hướng đi giúp cho công ty có thêm phân khúc khách hàng mới”, ông Việt nói.
Không chỉ doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo thấy được sức hút từ thị trường mì gói, các đại gia siêu thị cũng không bỏ qua cơ hội chen chân vào.
Tại Co.opmart và Big C, sản phẩm mì gói hàng nhãn riêng của 2 siêu thị này luôn được bầy bán ở những vị trí bắt mắt và thuận tiện với người tiêu dùng.
![2.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/07/03/2-4292-1404368668.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r9NrruTfO3PiDBswFPKIpQ)
Sản phẩm mì gói hàng nhãn riêng của Saigon Co.op được bày ở vị trí khá bắt mắt. Ảnh: MD.
Tại siêu thị Co.op mart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), trước đây, chỉ có duy nhất một kệ mì gói, nhưng nay siêu thị này đã bổ sung thêm 2 kệ nữa, trong đó diện tích dành cho sản phẩm mì của Co.op mart khá nhiều. Thậm chí, tại vị trí trung tâm của siêu thị, đơn vị này còn cho trưng bày thêm một kệ mì gói Co.op mart riêng. Giá sản phẩm này dao động ở mức 3.000-5.000 đồng một gói.
Trao đổi với VnExpress.net ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2010 công ty có hợp tác với Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Việt Hưng. Năm nay, để đa dạng hóa sản phẩm siêu thị đã bắt tay với Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) để nâng sản lượng và hương vị mới của sản phẩm mì gói. Ông cũng cho hay mức tiêu thụ của sản phẩm này vẫn đang tăng nhẹ.
"Mì gói là sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nên chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm riêng, giá cả phải chăng để cung ứng ra thị trường. Thời gian tới, nếu thị trường tiêu thụ tốt và có thêm công nghệ mới nổi trội, siêu thị sẽ tham gia sản xuất sản phẩm mới", ông Nhân nói thêm.
Bên cạnh siêu thị, doanh nghiệp lớn lấn sân sang mì gói, ngay cả những doanh nghiệp trái ngành khác cũng tham gia vào thị trường.
Bà Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn TMTM, đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, thức uống dinh dưỡng từ cây chùm ngây (Moringa) cho hay, cuối 2012 thấy được tiềm năng của thị trường mì gói cũng như tác dụng của cây chùm ngây bà đã quyết định bắt tay với Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa-Miliket để thực hiện dự án này. Hiện, sản phẩm mì Moringa của công ty bà không chỉ bán ở hầu hết các hệ thống siêu thị Big C, Co.op mart Việt Nam mà còn xuất khẩu khối lượng lớn sang thị trường châu Âu. Mặc dù không tiết lộ về con số tiêu thụ nhưng bà Mai cho biết sản phẩm này tăng trưởng đều đặn qua các tháng. Mới đây, Công ty cũng đã xuất mấy container mì sang châu Âu, mỗi container tương đương 3.300 thùng và mỗi thùng có 30 gói.
“Thị trường mì gói còn bao la lắm, nếu khai thác tốt thị trường này sẽ rất nhiều tiềm năng. Thời gian tới chúng tôi sẽ đem đến cho thị trường một sản phẩm mới hơn, cũng là dòng sản phẩm hướng tới sức khỏe người tiêu dùng”, Bà Mai nói thêm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới tại Nhật Bản (WINA), doanh số bán mì toàn cầu đã chạm mốc 100 tỷ gói mỗi năm. Tỷ lệ này tương đương mỗi người trên thế giới tiêu thụ hơn một gói mì trong một tháng. Tại Việt Nam, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp mì ăn liền, sản xuất gần 50 tỷ gói một năm,. Việt Nam cũng là nước tiêu thụ mì hàng đầu châu Á với số lượng 1-3 gói một người mỗi tuần. Hiện, Masan Consumer chiếm thị phần 16,5%, Asia Food chiếm 12,1%. Vina Acecook, công ty có vốn đầu tư từ Nhật Bản đang dẫn đầu thị trường với thị phần 51,5%. 20% còn lại dành cho các thương hiệu nhỏ hơn như Miliket – Cosula, Vifon… |
Hồng Châu