Năm vừa qua, Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng. Hai chỉ số này lần lượt tăng 63% và 324% so với năm 2020. Nhờ đó, công ty vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và đạt gấp 8,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Riêng khoản lợi nhuận đã xác lập mức kỷ lục của Đạm Phú Mỹ trong vòng 10 năm qua.
Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 cũng cho thấy nhiều chỉ số tăng trưởng tốt. Trong đó, tổng doanh thu đạt khoảng 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt hơn 1.800 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này lần lượt tăng 32% và đạt gấp 2,7 lần so với năm liền trước. Đạm Cà Mau vượt 9% mục tiêu doanh thu và vượt 110% kế hoạch lợi nhuận cả năm, dù công ty vừa mới điều chỉnh nâng hai chỉ tiêu gấp 4 lần kế hoạch cũ.
Cũng có kết quả kinh doanh tích cực, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính doanh thu hợp nhất năm qua đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng. Mức này vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020. Các đơn vị có doanh thu tăng mạnh gồm Đạm Ninh Bình, Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, DAP số 2, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP, Phân bón Bình Điền... Nhờ đó, lợi nhuận của toàn tập đoàn đạt 1.726 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Nguyên nhân chính giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành này báo lãi lớn là nhờ hoạt động sản xuất và kinh doanh triển khai tốt trong lúc giá phân bón tăng cao. Giá nhiều loại chất dinh dưỡng cho cây trồng đã tăng tới 150% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu phân bón toàn cầu tăng đột biến trong khi nguồn cung giảm mạnh.
Trên thế giới, báo cáo của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF) chỉ ra, từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, giá amoniac ở nước này tăng hơn gấp đôi, nitơ lỏng tăng gần 160%, urê tăng hơn một nửa, các loại kali, MAP hay DAP đều nhảy vọt về giá với tốc độ trên 100%...
Trong nước, giá phân bón DAP đã tăng khoảng 2-2,5 lần. Các loại phân urê, kali cũng nhảy giá gần 100% so với năm liền trước. Cổng thông tin điện tử nhiều địa phương đã liên tục phản ánh việc giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến ngành trồng trọt như đẩy chi phí sầu riêng nghịch mùa ở Tiền Giang hay gây áp lực lớn cho lúa vụ Đông Xuân ở Ninh Bình.
Thực tế trong năm qua, nhiều doanh nghiệp phân bón lớn ở phía Nam như Phân bón Bình Điền, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau vẫn chịu áp lực chi phí tăng cao do triển khai sản xuất "ba tại chỗ", chi phí logistic... Nhưng nhờ diễn biến giá phân bón thuận lợi, hầu hết các doanh nghiệp đều báo lãi lớn, kể cả giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong quý III/2021.
Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh doanh của ngành phân bón thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sẽ không còn thuận lợi nhiều. Năm nay, Covid-19 dần được kiểm soát khiến những yếu tố thúc đẩy giá phân bón có thể dần biến mất. Trường hợp giá cả giảm, biên lợi nhuận của nhà sản xuất urê sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Riêng các công ty NPK có thể điều chỉnh chiến lược tồn kho để giữ tỷ suất lợi nhuận ổn định.
Tất Đạt