Tổng thư ký Ông Vũ Duy Thái giải thích doanh nhân “e ngại” là vì trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế, và vì vậy họ cần có luật sư để diễn đạt chặt chẽ, đúng luật trước tòa, đặc biệt khi họ là bị cáo trong vụ án hình sự. Có nghĩa các điều 56, 58, 59 của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự cần bổ sung rõ hơn để “luật sư được gặp thân chủ của mình ở nơi bị tạm giam, tạm giữ, vào thời điểm mà họ cho là cần thiết, dĩ nhiên dưới sự giám sát, trong tầm nhìn nhưng ngoài tầm nghe của cơ quan có trách nhiệm” - ông Thái nói.
Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội, đồng tình và đề nghị nhà làm luật cũng như các cơ quan tố tụng cân nhắc từng tội danh, từng trường hợp có thể áp dụng biện pháp bắt giữ chủ doanh nghiệp phạm luật. Bởi đối tượng này đang trực tiếp tạo của cải vật chất cho xã hội, việc làm cho người lao động. Ngoài ra để đảm bảo tính chính xác của từng khâu tố tụng, VKS cần tích cực chỉ đạo, tham gia điều tra, thay vì thụ động lập cáo trạng buộc tội trên cơ sở hồ sơ do công an chuyển sang như lâu nay.
Theo các doanh nghiệp tham dự hội nghị, đề xuất trên được Quốc hội chấp thuận thì sẽ tăng thêm ý nghĩ cho những điểm tiến bộ lần đầu tiên thể hiện trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đang lấy ý kiến nhân dân, như bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra (Điều 30).
Về dự thảo Luật Đất đai, các giám đốc ghi nhận những điểm tiến bộ so với luật hiện hành. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, dự luật vẫn còn thiếu chế tài với cơ quan quản lý đất đai khi chậm trễ giao đất dự án, làm đổ vỡ việc làm ăn của doanh nghiệp. Công ty của ông Phú từng là nạn nhân của tình trạng này. Giữa năm 1999, ông trình các cấp thành phố dự án công viên nghĩa trang - một hình thức mai táng văn hóa mới, có xử lý vệ sinh môi trường, tận dụng không gian nghĩa trang làm nơi thư giãn tinh thần của người dân. Cơ quan quy hoạch đã chấp nhận dự án, UBND thành phố cũng đồng ý, nhưng việc cấp đất giẫm chân tại chỗ. Năm nay, khi dự án bị bể do ông Phú không chờ được nhà nước, thì 2 đơn vị khác - Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội cùng Công ty Sông Đà 12 - lại được chấp nhận triển khai dự án tương tự, và bằng vốn ngân sách 450 tỷ đồng.
Tham dự hội nghị này có ông Nguyễn Mạnh Cường (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội), ông Lê Văn Hoạt (Trưởng ban Kinh tế ngân sách - HĐND thành phố)... Đại diện các cơ quan hoạch định chính sách cho biết sẽ ghi nhận ý kiến doanh nghiệp thành phố chuyển tới Quốc hội và các cơ quan chức năng.
Nghĩa Nhân