Dự thảo nghị định xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, thay thế các quy định trước đây và "lấp" lỗ hổng trong kinh doanh mặt hàng này. Song, các doanh nghiệp nói nhiều quy định tại dự thảo mới chưa hợp lý.
Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, thương nhân phân phối xăng dầu được phép mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối và mua chéo lẫn nhau. Với dự thảo mới, Bộ Công Thương tính siết lại theo hướng đơn vị phân phối chỉ được mua từ đầu mối, không được mua của nhau.
Tại hội thảo lấy ý kiến do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/5, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng các điều khoản này bó buộc, hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối xăng dầu. Nó cũng vi phạm quy định về cạnh tranh, thương mại, giá.
"Thương nhân phân phối là doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh, nhưng dự thảo lại chỉ cho chúng tôi mua từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua chéo của nhau", ông Dũng nói, thêm rằng việc này giống như bắt họ "đi đường song song, không đảm bảo tính cạnh tranh thị trường".
Ông cũng so sánh các đầu mối ngoài nhập khẩu còn được mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất), nhưng 300 thương nhân phân phối không được mua hàng của các đơn vị này. Theo đó, ông đề nghị cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu như sàn cà phê để công khai, giúp các đơn vị phân phối tiếp cận nguồn hàng.
Ông Nguyễn Công Minh, thương nhân phân phối xăng dầu tại Bắc Giang cũng cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền kinh doanh của họ. "Trong những giai đoạn giá cả thất thường, nhờ được mua bán chéo nên các thương nhân phân phối có thể chia sẻ với nhau về lượng, giá bán. Hạn chế quyền này thị trường chưa chắc đã ổn", ông Minh nói.
Trong khi đó, lập luận được Bộ Công Thương đưa ra là việc thương nhân phân phối mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung. Thực tế, tình trạng đứt gãy cung ứng năm 2022 cho thấy nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lòng vòng, khiến nguồn cung bị rối loạn.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay các quy định mới được xây dựng theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quyền tiếp cận ngang nhau. Tức là, không có sự bất công giữa doanh nghiệp phân phối với các bên còn lại của thị trường.
"Các phân khúc có điều kiện riêng, nhưng không hạn chế hay phân biệt đối xử trong cùng nhóm đối tượng, doanh nghiệp được chọn tham gia", ông Chinh nói.
Với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, điều họ quan tâm nhất vẫn là chuyện phân phối lợi nhuận. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát, chi phí cố định khâu bán lẻ hiện 700-800 đồng một lít. Mức chiết khấu (hoa hồng các đầu mối, phân phối cắt lại cho đơn vị bán lẻ) là 1.100 đồng một lít, không đủ giúp họ có lời.
"Cây xăng bán được 1.000 lít mỗi ngày mới lãi 400.000 đồng. Mức này thua thu nhập của một lao động phổ thông, trong khi cửa hàng phải đầu tư tiền tỷ", ông Thắng nói.
Tương tự, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công Ty TNHH thương mại Đoan Việt tính toán, với giá xăng RON 95-III khoảng 25.000 đồng một lít sẽ có chi phí ở khâu bán lẻ trên 1.300 đồng, tương đương hơn 5-6% trong cơ cấu. Bà đề nghị, chiết khấu tối thiểu ở khâu bán lẻ phải được cố định mức này để doanh nghiệp hòa vốn, hoặc 6-7% để họ có lợi nhuận.
"Suốt thời gian dài, mức chiết khấu cho bán lẻ rất thấp, khiến chúng tôi gặp khó khăn lớn, không ít đơn vị buộc phải đóng cửa", bà nói thêm.
Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ, ông Thắng cũng đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của 3 khâu (đầu mối, phân phối và bán lẻ) là 3.000-5.000 đồng một lít, cố định trong giá cơ sở. Nhà nước cần quy định tỷ lệ cụ thể phân chia khoản này cho 3 khâu.
Góp ý thêm, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum), cho rằng dự thảo Nghị định mới nên điều hành xăng dầu theo thị trường, tôn trọng yếu tố cung cầu, tức không điều tiết, kiểm soát quá chặt chẽ.
Xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng cần rà soát lại các quy định theo hướng giảm điều kiện, thủ tục "ở mức thấp nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp".
Ông góp ý cơ chế giá đang tính ngược từ khâu bán lẻ lên trên, do đó các doanh nghiệp bán lẻ chịu ảnh hưởng đầu tiên, rồi tới phân phối và cuối cùng là đầu mối xăng dầu.
"Kinh doanh không thể tư duy ngược, giá phải đi với hàng", ông nói, cho rằng nhà chức trách có thể làm theo cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá. Theo đó, cơ quan này đưa ra tỷ giá tham chiếu và biên độ giao dịch, từ đó các ngân hàng niêm yết giá bán ngoại tệ trong hệ thống.
Chuyên gia cũng cho rằng bản chất chênh lệch giá xăng dầu là do các nguồn thu từ loại nhiên liệu này. Theo ông, cơ quan quản lý cần xem xét sửa quy định thu ngân sách mặt hàng này từ tỷ lệ tương đối sang mức tuyệt đối.
"Khi đó, Nhà nước không cần quan tâm xăng dầu tăng hay giảm bởi thu ngân sách không thay đổi. Giá nhiên liệu sẽ do thị trường tự điều tiết", chuyên gia Vũ Đình Ánh góp ý.
Phương Dung