Ngày 29/10, Mạng lưới hỗ trợ tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam (VEES-Net) do 8 đại học sáng lập ra mắt tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay sau đó, VEES-Net tổ chức tọa đàm đa phương với các đại học và doanh nghiệp để nghe chia sẻ về thực trạng việc làm của sinh viên hiện nay, những góp ý, đề xuất cho kế hoạch hoạt động của mạng lưới.
Tại tọa đàm, ông Lê Khắc Hiệp chỉ ra nhiều vấn đề sinh viên gặp phải khi đi xin việc. Từ thông tin của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng dữ liệu thu thập từ hơn 20 đại học, ông Hiệp nhận thấy tỷ lệ sinh viên ra trường đi du học là 2%, thất nghiệp 8%, đi làm đúng ngành là 32% và trái ngành là 58%. Điều này đặt ra vấn đề về định hướng nghề nghiệp.
Qua hệ thống tuyển dụng của doanh nghiệp, ông Hiệp cho biết có sinh viên mới ra trường, năm đầu đi làm đã nhảy việc tới 4 lần. "Đời người có lẽ chỉ nên nhảy việc 5 lần, trong đó 4 lần đi làm thuê và lần thứ năm làm chủ doanh nghiệp. Tôi cũng hay khuyên sinh viên nên nhảy việc đến lần thứ 5 là phải làm chủ doanh nghiệp rồi, nhưng ngay năm đầy đã nhảy 4 lần thì quá khủng", ông Hiệp nói, cho rằng đây là vấn đề thuộc định hướng nghề nghiệp. Nhà tuyển dụng nhìn thấy CV chi chít nơi làm việc, nhưng thời gian ở một nơi ngắn cũng rất sợ.
Cũng theo ông Hiệp, ngoài khâu định hướng kém, sinh viên mới ra trường còn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình và ngoại ngữ. Phong trào học ngoại ngữ ở Việt Nam nhiều, nhưng chưa thể biến ngoại ngữ thành "vũ khí" trong công việc. Nhiều sinh viên có thể giao tiếp ngoại ngữ đơn giản nhưng khi làm xuất nhập khẩu, phải đụng đến làm hợp đồng thì không làm được.
"Tôi từng làm công ty nước ngoài, mới vào họ đã bắt đọc một tập tài liệu tiếng Anh rất dày. Phải đọc được, làm được thì mới gọi là dùng ngoại ngữ để hành nghề và kiếm tiền. Tôi muốn các bạn sinh viên học ngoại ngữ để hành nghề chứ không phải chỉ học để nói", ông Hiệp chia sẻ.
Ngoài ra, ông cho rằng sinh viên cần chuẩn bị tốt về kiến thức nền tảng và kinh nghiệm làm việc. Về kiến thức, nếu không nắm chắc nền tảng, sinh viên ra trường khó thích nghi bởi như ngành Công nghệ thông tin, công nghệ thay đổi rất nhanh, có thể trong vài tháng, buộc người đi làm phải học những điều mới trong thời gian nhanh nhất có thể. Nếu không có kiến thức nền tảng, việc này sẽ khó khăn.
Với kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng thường đưa ra tiêu chí này bởi thực tế có nhiều bạn đi làm thêm để kiếm tiền, nhưng theo kiểu "học lập trình nhưng đi bưng bê ở quán cà phê". Trường hợp này, khi ra trường kinh nghiệm bằng 0.
Liên quan đến hồ sơ xin việc phỏng vấn, theo ông Hiệp, nhiều sinh viên "rất cẩu thả". Các em soạn một CV nhưng gửi 20 công ty, không hề xem website công ty, xem họ cần tiêu chí gì để làm CV cho phù hợp. Đến nơi, nhà tuyển dụng hỏi thông tin cơ bản thì không biết công ty làm gì. Chưa kể, doanh nghiệp đặt lịch phỏng vấn nhưng nhiều bạn viện đủ lý do không tới.
Đồng quan điểm với ông Hiệp, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc nhân sự Công ty Hanesbrands, doanh nghiệp may mặc của Mỹ tại Việt Nam, cũng nhận định sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm, đặc biệt thiếu chân thành ngay từ khi đi tìm việc.
"Nhiều bạn dự định du học, đến doanh nghiệp chỉ để tìm hiểu, nhưng nói muốn gắn bó với công ty cả đời. Điều này khiến chúng tôi rất thất vọng. Tại sao không thẳng thắn ngay từ đầu khi doanh nghiệp vẫn có chương trình dành cho thực tập sinh để hỗ trợ", bà Thanh nói, cho rằng nhà trường phải đưa môn đạo đức vào để sinh viên biết mục tiêu là gì, định hướng ra trường thế nào.
Cũng theo bà Thanh, sinh viên cần đặt mục tiêu dài hạn thay vì chạy theo những cái ngắn hạn. Nhiều bạn ra trường đi làm mới được thời gian ngắn, chưa đủ để có kinh nghiệm hay nắm bắt được cái gì, sau đó có cơ hội ở nơi khác với mức lương cao hơn 50 USD là nhảy việc liền. "Nhảy việc vì 50 USD tôi thấy rất buồn cho các bạn vì nó cho thấy các bạn không có định hướng, mục tiêu nghề nghiệp gì", bà Thanh thẳng thắn.
Bà Hải Yến, người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng, phàn nàn kỹ năng tin học văn phòng, trong đó có việc sử dụng Word và Excel, của sinh viên quá kém. Nhà tuyển dụng thường xuyên phải đào tạo từng tí một, thậm chí phải giao người theo kèm, cầm tay chỉ việc nên rất mất thời gian. Bà Yến mong muốn các nhà trường chú trọng phần này.
Trước chia sẻ thẳng thắn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện VEES-net, cho biết VEES-net sẽ tiếp thu, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để không chỉ hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm mà còn trang bị cho các em đầy đủ kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần.
Ông Điền cũng chia sẻ theo khảo sát của các trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng ra trường toàn 80% trở lên, như Bách khoa là 97%. Tuy nhiên, nếu khảo sát mức độ hài lòng về việc làm của sinh viên, tỷ lệ không hài lòng rất cao. Tỷ lệ làm sai ngành nghề cũng vậy.
"Sinh viên Bách khoa Hà Nội hay bị nhà tuyển dụng kêu thiếu chung thủy, hay nhảy việc. Các em luôn hỏi thầy là ra trường em sẽ làm ở đâu mà không hỏi là sẽ làm cái gì cho tốt. Có những em đi làm vài ba năm, có kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp, đủ kỹ năng nhưng rất thiếu định hướng khởi nghiệp", ông Điền nói.
Từ thực tế đó, ông Điền hy vọng mạng lưới VEES-net sẽ kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà trường, doanh nghiệp, để giúp sinh viên đạt thành tích chuyên môn ở tầm cao hơn, tạo lập kỹ năng cần thiết để xin việc thành công, từ đó tăng khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp, nỗ lực khởi nghiệp của sinh viên và cựu sinh viên.
Mạng lưới hỗ trợ tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam (VEES-Net) do 8 đại học sáng lập, gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Công nghiệp Vinh, trường Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Đại học Nha Trang, Đại học Tây Nguyên, trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Trà Vinh.
Mạng lưới này nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường hệ thống giáo dục Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm và kỹ năng khởi nghiệp của sinh viên tốt nghiệp" (V2WORK), trong khuôn khổ chương trình Eramus+ do Ủy ban châu Âu tài trợ.