Việt Nam không thiếu những công trình có tính ứng dụng cao, điều quan trọng là giải quyết bài toán làm thế nào để có thể triển khai các nghiên cứu đó vào thực tiễn sản xuất - là vấn đề được đưa ra bàn bạc tại hội thảo khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cuối tuần qua.
Để làm được điều này theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ là rất quan trọng. "Đây là lực lượng đầu tư lớn nhất cho khoa học công nghệ. Doanh nghiệp là nơi sử dụng, là trung tâm, biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm xã hội. Do đó, cần đặt vai trò của doanh nghiệp trong khoa học và công nghệ ở vị trí xứng đáng", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Muốn nghiên cứu chuyển giao vào thực tiễn thì không thể thiếu mắt xích doanh nghiệp. Ảnh: Omard.
Dù đã có hàng chục doanh nghiệp có đóng góp trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp, nhưng theo Thứ trưởng Nông nghiệp Lê Quốc Doanh số lượng đó là chưa nhiều và phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực yếu. Theo Bộ Nông nghiệp, hiện có trên 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trên 93% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu; 90% trong số này là doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng.
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong số 1.500 doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ, 350 doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhưng chỉ có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 8%).
Tại hội nghị, giới doanh nghiệp cho rằng việc các nghiên cứu không chuyển giao ứng dụng thực tiễn là do thiếu mắt xích doanh nghiệp. Ông Trần Mạnh Báo, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình (TSC) - đơn vị thành công trong nhân, tạo giống và phát triển lúa BC15 nói: "Việc cung cấp sản phẩm ra thị trường được xã hội chấp nhận không ai khác chính là doanh nghiệp. Ở các nước phát triển, mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học ở các viện, trường thường gắn kết với nhau để cùng tạo ra sản phẩm phục vụ người dân".
"Tháng 11 vừa rồi, tôi có chuyến thăm Nhật Bản và bất ngờ khi thấy rằng quả vải để tủ lạnh hai tháng những khi ăn có cảm giác như mới được bẻ từ trên cây xuống, điều này cho thấy công nghệ bảo quản của họ rất tốt", ông Báo nói thêm.
Từ đó, ông Báo đề nghị cần phải xã hội hóa công tác nghiên cứu; thực hiện chính sách, tài chính đối với doanh nghiệp khoa học thật cụ thể, rõ ràng, nếu có thể giao khoán theo kết quả nghiên cứu chứ không phải kiểm tra giám sát từng cân giống như hiện nay. Bên cạnh đó, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp vì lĩnh vực này thường phụ thuộc vào thời tiết.
Các doanh nghiệp khác cũng đề nghị bản thân các nhà khoa học cần tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao và phục vụ đời sống nhân dân thì mới thu hút được đầu tư doanh nghiệp. Bên canh đó, họ cũng đề nghị nhà nước có cơ chế ưu đãi trong việc gắn kết nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân.
Hương Thu