Thương hiệu Omo thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever vừa phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận Xanh Hà Nội triển khai chương trình trồng 50 cây xanh tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp, Giáo dục Thường xuyên Tây Hồ (Hà Nội). Hoạt động thuộc chương trình "Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam" do thương hiệu này phát động, nhằm phủ xanh 6 điểm tại Hà Nội với 300 cây ăn quả và cây tán rộng.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp đã tham gia trồng cây trên khắp Hà Nội. FPT Software trồng 3.000 cây xanh tại khu công nghệ cao Hòa Lạc từ tháng 8/2019. Từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020, nhãn hàng Omo Matic và Lifebuoy kết hợp cùng Hội đồng Đội Trung ương trồng 30.000 cây xanh và xây dựng 10 sân chơi ở 10 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội. Đây được xem là nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhằm tăng mảnh xanh đô thị, giảm ô nhiễm khói bụi, tạo "màn chắn xanh" cho toàn thành phố.
Động thái của các doanh nghiệp cũng phù hợp ưu tiên của Hà Nội, khi trong năm nay, UBND thành phố có kế hoạch trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên toàn thành. Trong khi đó Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ mục tiêu phát triển một triệu cây xanh vào năm 2020, tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các chuyên gia nhìn nhận, nỗ lực tăng mảng xanh đô thị phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần sự chung tay của toàn cộng đồng, từ các cấp quản lý, thực thi đến sự chủ động của người dân.
Điển hình tại Singapore, quy hoạch tái thiết và phát triển đảo quốc sư tử từ thời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể về mảng xanh đô thị và đòi hỏi mỗi người dân đều nắm rõ và thực hành. Đây là tiền đề giúp Singapore có tỷ lệ phủ xanh cao bậc nhất khu vực hiện nay, khi người dân ý thức thực sự trong việc phát triển cây xanh ở chính nơi họ sinh sống, làm việc.
Tại Việt Nam, việc tăng cường nguồn lực xã hội để phát triển cây xanh đô thị cũng là một hướng đi phù hợp. Nguồn lực này có thể đến từ các chủ đầu tư quan tâm phát triển cảnh quan, cây xanh mặt nước trong khuôn viên dự án dân cư, hoặc đến từ các chiến dịch, chương trình hành động vì môi trường do các doanh nghiệp phát động.
Với chiến dịch "Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam", đại diện thương hiệu Omo kỳ vọng bên cạnh mục tiêu phủ xanh đô thị, chương trình lần này còn kỳ vọng lan tỏa thông điệp bảo vệ, tôn tạo môi trường, góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng, tạo ra những chuyển biến tích cực và bền vững ở các cấp độ gia đình - cộng đồng - xã hội. Chương trình khuyến khích mọi thành viên trong gia đình cùng nhau lấm bẩn, bắt tay vào trồng cây, để những vấn đề môi trường được cải thiện từ gốc rễ.
"Nếu không hành động ngay bây giờ, viễn cảnh tương lai về môi trường xanh - sạch - đẹp mà chúng ta mong đợi sẽ chỉ là giấc mơ. Trẻ em sẽ mất dần cơ hội tự do lấm bẩn, khám phá ngoài trời do ô nhiễm không khí, tỷ lệ mảng xanh trong thành phố ngày càng suy giảm trầm trọng", đại diện thương hiệu Omo nói.
Sau chuyến ra quân đầu tiên ngày 5/8, chiến dịch sẽ tiếp tục phủ xanh 5 điểm, mỗi điểm 50 cây ăn quả và cây tán rộng. Cụ thể các điểm trồng cây bao gồm, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên Tây Hồ (quận Tây Hồ), Trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng), Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật (Hà Đông), 14Đ (Hoài Đức), trường Đại Áng - Thanh Trì và Trường Cao đẳng Công nghệ - Thương mại Hà Nội (Đan Phượng). Các điểm trồng cây tạo thành hình lục giác được ví như một tấm khiên mang ý nghĩa "màn chắn xanh" giúp giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, nắng nóng tại thành phố.
Ông Mai Ngọc Nhân - Quản lý thương hiệu Omo Việt Nam chia sẻ, thông qua chiến dịch "Lấm bẩn vì những màn chắn xanh Việt Nam", thương hiệu này mong muốn kêu gọi cộng đồng không chỉ giới hạn ở những ý định tốt cho môi trường mà hãy cùng bắt tay hành động để tạo ra những thay đổi thiết thực và triệt để.
"Càng nhiều cây được trồng thì màn chắn xanh của Việt Nam sẽ càng mạnh mẽ, bảo vệ không khí trong lành cùng những trải nghiệm khám phá vô giá của trẻ em", ông Mai Ngọc Nhân nói.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên Môi trường, chiếu theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn thế giới thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh ở các đô thị lớn của Việt Nam còn rất thấp. Tại Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ này khoảng hai m2 một người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Minh Anh