Chia sẻ cùng VnExpress.net, lãnh đạo nhiều công ty niêm yết thuộc các ngành khác nhau cho biết lợi nhuận năm 2012 không như mong đợi. Nguyên nhân chính do kinh tế vĩ mô còn khó khăn, sức mua giảm cùng những biến cố đột ngột xảy ra.
Khó khăn vẫn đeo bám ngành chứng khoán. Thống kê từ VNDirect, trong 26 công ty chứng khoán niêm yết ở HOSE, HNX đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012, có 10 doanh nghiệp báo lỗ, do lợi nhuận từ môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành, tự doanh... giảm mạnh. Chứng khoán Sacombank còn bị nghi ngờ khả năng hoạt động, sau khi kiểm toán 2012 cho thấy vốn chủ sở hữu âm 251 tỷ, không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính và phải lên phương án tái cấu trúc.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết lợi nhuận của các công ty chứng khoán phân hóa rõ rệt. Lợi thế nghiêng về những đơn vị top đầu, có tiềm lực tài chính, thị phần ổn định, có khả năng phát triển tốt.
Trong khi đó, những công ty vốn nhỏ, tiềm lực yếu, chới với, thua lỗ do khó thu xếp vốn lẫn phát triển khách hàng và phải xoay sở chật vật trong miếng bánh thị phần nhỏ bé. Chưa kể, kiểu làm ăn manh mún, bê bối của nhiều công ty khiến nhà đầu tư bất an. Xu thế chuyển tài khoản từ công ty chứng khoán nhỏ sang công ty lớn thể hiện rõ nét hơn trong năm qua càng làm khó cho các công ty quy mô nhỏ.
Sang năm 2013, theo ông Giang, các chính sách hỗ trợ cho thị trường sẽ tác động tích cực lên thanh khoản, điều này tạo lợi thế cho doanh thu môi giới cùng hoạt động vay ký quỹ (margin). Tuy 2012 không lãi như kỳ vọng, VnDirect dự kiến mục tiêu tăng trưởng 20-30% trong năm nay.
Có kết quả kinh doanh lạc quan hơn, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, hệ số vốn khả dụng năm 2012 của công ty đạt trên 450%, cao gần gấp 3 lần so với yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán. Trong cơ cấu doanh thu năm 2012, môi giới, tự doanh, dịch vụ tài chính đóng góp với tỷ trọng lớn nhất.
Ông kỳ vọng vào các chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, khơi thông thị trường chứng khoán hơn nữa. Định hướng hoạt động của công ty sắp tới do đó sẽ phát triển đồng bộ các mảng nghiệp vụ, giảm thiểu rủi ro thông qua tái cơ cấu danh mục.
2012 là năm kinh doanh khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: PV |
Lĩnh vực ngân hàng sa sút đáng kể và không còn chuyện hồ hởi báo lãi như mọi năm. Chưa tới mức thua lỗ trong năm 2012 nhưng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX đa phần thấp hơn 2011.
Lãi lớn nhất là Vietinbank (mã CTG), với 6.178 tỷ đồng, cũng chỉ bằng 98,7% kết quả năm 2011. Sacombank quý IV lỗ 871 tỷ đồng, nhưng do các quý trước có lãi nên cả năm vẫn lời 714 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lãi này sụt 64% so với năm 2011 và là kết quả bi bét nhất trong 8 ngân hàng niêm yết. Ngân hàng Á Châu đạt lợi nhuận sau thuế 928 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ, do lỗ gần 1.900 tỷ đồng kinh doanh vàng và ngoại hối.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB nhận định kết quả kinh doanh năm 2012 của ngành ngân hàng đa phần tồi đi. Một trong những nguyên nhân chính là nợ xấu, chưa kể đạo đức con người cũng góp phần khi năm qua xảy ra nhiều sóng gió với những lãnh đạo cấp cao. Đối với ACB, mục tiêu lớn nhất trong năm 2012 là tồn tại, phát triển và vẫn có lãi, vượt qua mọi khó khăn từ sự cố tháng 8/2012.
Năm nay, ông Toại cho rằng ngành ngân hàng cũng chưa thể thấy điểm sáng, khi khó khăn của nền kinh tế tồn đọng từ trước đến nay vẫn tiếp tục lan sang năm 2013. Mục tiêu lợi nhuận của ACB trong 2013 vẫn chưa được công bố, nhưng ông Toại cho biết sẽ khiêm tốn hơn năm 2012.
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục ghi nhận bước lùi khi thị trường chưa tan băng. 55 trên 67 doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2012, trong đó 17 đơn vị báo lỗ, nặng nhất là Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) với trên 224 tỷ đồng. Cả năm 2012, KBC lỗ tới 487 tỷ đồng. Kế đến là Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS), 2012 lỗ trên 302 tỷ.
Đại điện Công ty cổ phần bất động sản Thái Bình Dương (PPI) cho biết, năm 2012 rất nhiều doanh nghiệp bị lỗ và có những công ty gần như phải phá sản. Bản thân công ty trong năm qua lãi sau thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng, trong khi mục tiêu đặt ra là 11 tỷ. Doanh nghiệp đã phải cố gắng xoay sở mọi cách mới hoàn thành được 94% kế hoạch doanh thu, bởi “chi phí vốn cao cả về quy mô lẫn lãi suất, đầu ra bị hạn chế khiến bất động sản phải hạ giá mạnh”.
Vị này nhận định, bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu chưa được tháo gỡ về vốn. Lĩnh vực chính hiện giờ của PPI là xây dựng, nhưng sắp tới, công ty dự kiến chuyển hướng thêm sang nghề thương mại, xuất nhập khẩu để cầm cự.
Khối doanh nghiệp sản xuất có nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính năm 2012 nhất, với 692 đơn vị, trong số này có 68 công ty kinh doanh thua lỗ. Dẫn đầu mức lỗ sau thuế là Công ty cổ đầu tư Alphanam (ALP) với 154 tỷ đồng, trong khi năm 2011 công ty lãi 17 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica (BBC) thừa nhận sức mua nội địa đối với sản phẩm của Bibica trong năm 2012 giảm. Tuy nhiên công ty đã phải tung “chiêu” đối phó bằng cách tăng xuất khẩu lên 130%, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để thị phần trong nước không bị giảm sâu. Năm 2012, công ty thu về 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ bằng một nửa so với năm 2011, trong đó riêng lợi nhuận quý IV đóng góp tỷ trọng gần 70%.
Mục tiêu năm tới, Phó tổng giám đốc Bibica tiết lộ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số 135% và lợi nhuận 230% so năm 2012. Công ty dự kiến sẽ tập trung các nhóm sản phẩm chủ lực có hiệu quả cao, mở rộng kênh phân phối trong nước lên 90.000 cửa hàng và tăng xuất khẩu lên 140%.
Còn đối với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom (SAM), Tổng giám đốc Đõ Văn Trắc cho biết, năm qua thị trường đầu tư công giảm, khiến Sacom cũng gặp khó khăn trong kinh doanh. Quý IV công ty bị lỗ chủ yếu do mới giải thể quỹ Tầm Nhìn, tuy nhiên nhờ khoản hoàn nhập và doanh thu tài chính đạt, công ty mẹ vẫn lãi ròng 15,94 tỷ đồng.
Năm 2013, ông Trắc hứa hẹn kinh doanh sẽ tiếp tục có lãi vì “VNPT, Viettel, FPT đang tập trung vào mảng cáp quang cho truyền hình, đấy cũng là cơ hội cho chúng tôi tham gia vào hạ tầng. Nguồn vốn năm nay công ty không phải vay nhiều”. Ông Trắc chờ đợi 2013 vĩ mô ổn định, tiền không mất giá, lãi suất ngân hàng thấp để doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, Giám đốc Tài Chính của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho biết trong 2012 kết quả hoạt động Reetech chỉ xấp xỉ bằng năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ vẫn chịu ảnh hưởng bởi sức tiêu dùng yếu, hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Trong năm 2012, cả 3 mảng hoạt động của REE (cơ điện lạnh, văn phòng cho thuê, đầu tư chiến lược trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng) đều phải làm việc cật lực để có thể đạt được kế hoạch kinh doanh do đại hội cổ đông đề ra. Trong năm 2013 và các năm tới, hướng đi này sẽ vẫn là tiêu chí hoạt động của REE với mong muốn 3 mảng hoạt động tạo nên nền tảng phát triển bền vững, ông Bình cho hay.
Hồng Châu - Tường Vi