Hashimoto thành lập công ty gần 40 năm trước. Công ty có tệp khách hàng trung thành nhưng đang lâm vào nguy cơ không còn người điều hành. Đó là vấn đề chính phủ Nhật Bản cảnh báo có thể ảnh hưởng tới 1/3 số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh nhỏ ở quốc gia này vào năm 2030, trong bối cảnh dân số đang suy giảm và già hóa.
"Tất cả máy móc thiết bị sẽ thành phế thải nếu tôi đóng cửa bây giờ", ông Hashimoto nói về xưởng chế tạo máy ở Yachimata, phía đông Tokyo, nơi đầy bàn máy, bàn khoan và tủ chứa linh kiện.
Trước đây, ông thuê hàng chục công nhân nhưng bây giờ chỉ xoay sở với hai nhân viên bán thời gian sau khi thu hẹp quy mô kinh doanh.
Vấn đề lớn nhất mà Nhật Bản đang đối mặt là "kỷ nguyên tuyệt hậu", theo Shigenobu Abe, chuyên gia công ty nghiên cứu phá sản Teikoku Databank.
Báo cáo chính phủ năm 2019 ước tính đến năm 2025, Nhật Bản có khoảng 1,27 triệu chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh nhỏ từ 70 tuổi trở lên không có người kế nghiệp. Xu hướng này có thể làm mất đi 6,5 triệu việc làm, giảm quy mô của nền kinh tế Nhật Bản khoảng 22.000 tỷ yen (166 tỷ USD).
Tới năm 2029, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn, khi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (sinh năm 1946 - 1964) chạm ngưỡng tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản là 81 và đa số là chủ tịch các công ty nhỏ, theo Teikoku Databank.
"Chúng tôi chắc chắn nhiều lao động sẽ mất kế sinh nhai vì xu hướng này", chuyên gia Abe nói.
Giống nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản thường được truyền lại cho người nhà hoặc nhân viên đáng tin cậy. Nhưng tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài khiến các doanh nghiệp nhỏ không còn hấp dẫn với thanh niên.
Những công ty ở vùng nông thôn còn khó khăn hơn bởi xu hướng thích sống ở thành phố và giảm dân số ở nông thôn đang gia tăng. Ngoài ra, nhiều người Nhật lớn tuổi cho rằng bán lại doanh nghiệp cho người ngoài là điều đáng xấu hổ. Một số người lựa chọn thanh lý tài sản công ty hơn là tìm người mua lại.
Chính phủ Nhật đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích các chủ doanh nghiệp nhỏ bán lại công ty. Các công ty tư nhân cũng nhảy vào làm cầu nối giữa người bán và người mua.
Công ty Batonz đang thực hiện hơn 1.000 giao dịch giới thiệu mỗi năm, tăng từ 80 giao dịch lúc mới đi vào hoạt động năm 2018. Yuichi Kamise, chủ tịch công ty, cho rằng làn sóng đóng cửa doanh nghiệp nhỏ đồng nghĩa với việc mất đi các nghề thủ công đặc biệt, các dịch vụ độc đáo hay công thức nấu ăn gốc của các nhà hàng, những thứ đã tạo nên kết cấu văn hóa xã hội Nhật Bản.
"Theo thời gian, những điều làm nên sự độc đáo của Nhật Bản có thể biến mất do thiếu người kế thừa", Kamise nói. "Tôi cho rằng vấn đề này sẽ giáng đòn mạnh vào văn hóa và sức hấp dẫn của Nhật Bản về khía cạnh du lịch".
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng xu hướng này đem lại cơ hội cải thiện sự kém hiệu quả, tạo đà mới cho các doanh nghiệp nhỏ hầu như không có doanh thu hoặc tồn tại nhờ trợ cấp.
Hiroshi Miyaji, 50 tuổi, sở hữu tập đoàn Yashio, đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp. Yashio là công ty hậu cần lớn do ông nội của Miyaji thành lập. "Sẽ luôn có người mua lại các công ty có thế mạnh độc đáo, có bí quyết riêng và nhân sự tốt", Miyaji nói.
Nhờ Batonz làm cầu nối, ông đã mua một công ty vận tải nhỏ từ Ayako Suzuki, 61 tuổi. Bà Suzuki nghỉ làm để về nhà giúp bố điều hành công ty ông thành lập năm 1975. Công ty có ba tài xế và không người nào muốn tiếp quản công việc. Bố đã yêu cầu bà giúp đỡ khi ông ngoài 80 tuổi.
Nhưng nhiều vấn đề nảy sinh như Covid-19, một lái xe nghỉ việc, xe cần bảo trì, khiến bà đã phải dùng đến tiền tiết kiệm để duy trì hoạt động. "Tôi muốn tiếp tục kinh doanh, ít nhất là tới khi bố tôi còn sống", Suzuki nói.
Batonz kết nối Suzuki với Miyaji, người cam kết giữ lại nhân viên, đối tác và xe tải của công ty. "Tôi thấy nhẹ nhõm hơn là buồn", bà nói. "Tôi từng nghĩ công ty không còn giá trị".
Doanh nghiệp nhỏ giá cả phải chăng dư thừa có thể là cơ hội cho thanh niên muốn khởi nghiệp. Trong số này có đầu bếp Rikuo Morimoto, 28 tuổi.
Khi Covid-19 bùng phát, Morimoto không thể sang Italy học tập và đã dùng tiền tiết kiệm mua một quán ăn tồn tại 40 năm ở Tokyo, mở nhà hàng với chi phí bằng một phần nhỏ so với bình thường.
Anh giữ nguyên thiết kế, đồ nội thất và khách hàng lâu năm của quán Andante, nhà hàng được nhiều người ưa thích ở quận Suginami, đồng thời giới thiệu thêm thực đơn mới.
"Trước đây tôi cứ nghĩ mình chỉ đủ khả năng kinh doanh một xe tải bán đồ ăn hoặc một quầy hàng nhỏ", Morimoto nói.
Không phải người nào cũng gặp may. Tương lai nhà máy của Hasimoto vẫn bất định, dù ông đã nỗ lực bồi dưỡng ba người kế cận. "Tôi đang đợi ai đó đồng hành và tận dụng những gì công ty đang có", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)