Thực tế này được ông Matsushita Kazuhiro - trưởng nhóm về thúc đẩy công nghiệp hoá có năng lực cạnh tranh quốc tế nêu tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII, ngày 10/1.
"Doanh nghiệp Nhật Bản khó tìm được doanh nghiệp Việt để trở thành nhà cung cấp cho mình. Chúng tôi có danh sách nhưng thông tin, năng lực của doanh nghiệp ra sao không rõ nên khó lựa chọn", ông Matsushita nói.
Vị trưởng nhóm đồng thời cũng là Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam đề nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giới thiệu các nhà cung cấp Việt trong đó đưa ra đầy đủ thông tin chứng minh "sức khoẻ" của doanh nghiệp để việc tìm kiếm đối tác cung ứng tại Việt Nam dễ dàng hơn.
Đến cuối năm 2018, Việt Nam thu hút hơn 27.350 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD; vốn thực hiện trên 191 tỷ USD. Với riêng Nhật Bản, sau 30 năm, quốc gia này đã rót hơn 57 tỷ USD vào Việt Nam với gần 4.000 dự án và là nước đứng thứ hai về đầu tư vào Việt Nam. Năm 2018 Nhật Bản ở vị trí "ngôi vương" đầu tư vào Việt Nam với 8,6 tỷ USD.
Ghi nhận "công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển chưa rõ nét", ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, vướng mắc không hẳn nằm ở phía thực lực doanh nghiệp, mà do việc thực thi kế hoạch phát triển lĩnh vực này chưa tốt.
"Sự nỗ lực của doanh nghiệp khá rõ nhưng họ lúng túng không biết làm thế nào khi chính sách chưa đồng bộ. Chúng tôi quan tâm tới bài học Nhật giúp Thái Lan phát triển công nghiệp hỗ trợ cách đây 40 năm, làm thế nào để Việt Nam cũng có ngành phụ trợ phát triển như vậy", ông Hoàng đặt câu hỏi và đề nghị phía Nhật Bản đưa ra tiêu chí chọn lựa nhà cung cấp cụ thể hơn, trên cơ sở đó Việt Nam sẽ sàng lọc và giới thiệu "trúng" hơn cho đối tác.
Thừa nhận bất cập, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý - đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ này sẽ có những sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, muốn phát triển lĩnh vực này nhưng chỉ dựa vào chính sách ở tầm Nghị định thì chưa đủ. "Nhiều chính sách nếu chỉ nằm ở Nghị định sẽ không thể hiện rõ được tính vượt trội, đi vào cuộc sống. Cần có Luật Công nghiệp hỗ trợ và sự vào cuộc từ ba Bộ: Công Thương, Tài chính và Kế hoạch & Đầu tư", ông đề nghị.
Giai đoạn VII sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản có 9 nhóm vấn đề, gồm những quy định về đầu tư vào Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh; các vấn đề về Luật Đất đai và đăng ký bất động sản, công khai thông tin liên quan; cải cách doanh nghiệp nhà nước, thị trường chứng khoán; lao động, tiền lương...
Bên cạnh các nhóm vấn đề về doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn VII đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia.
Anh Minh