Ông Yukio Kikuchi, Tổng giám đốc Công ty Yanmar (Nhật Bản) cho biết, Công ty quyết định đầu tư khoảng 60 tàu vật liệu composite FPR thí điểm tại các tỉnh miền Trung, đồng thời phối hợp với Tổng cục Thủy sản thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng cá ngừ cho ngư dân. Trong tháng 7 sẽ hạ thủy chiếc đầu tiên tại Khánh Hòa ra khơi đánh bắt thủy sản thử nghiệm.
Theo vị chuyên gia này, tàu vật liệu composite tiết kiệm 30% nhiên liệu so với tàu vỏ gỗ, tuổi thọ ít nhất 20 năm. Ngư dân ra khơi khai thác theo tổ, đội (mỗi tổ khoảng 6 tàu) với công nghệ xử lý, bảo quản cá ngừ hiện đại có thể xuất khẩu đạt tiêu chuẩn Sashimi với giá cao 9 USD mỗi kg (thay vì 2 USD như hiện nay).
Việt Nam xuất khẩu cá ngừ mỗi năm nhiều nhất đạt kim ngạch khoảng 560 triệu USD. Tuy nhiên với số lượng thủy sản này, nếu đánh bắt, bảo quản, xử lý đúng kỹ thuật có thể bán được với giá ít nhất là 1,5 tỷ USD.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, địa phương đã quyết định ký kết với Công ty Yanmar triển khai thí điểm đóng tàu vật liệu composite FPR. Công ty này chuyển giao công nghệ, quản lý tổng thể chất lượng cá, bao tiêu xuất khẩu sản phẩm trên thị trường quốc tế với giá cạnh tranh. Nếu thành công sẽ nhân rộng tạo thu nhập bền vững cho ngư dân.
Trong khi đó, tại Bình Định, sau khi được các chuyên gia Nhật Bản tập huấn kỹ thuật, giữa tháng 7 này, năm tàu vỏ thép với khoảng 60 ngư dân sẽ ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương bằng bộ ngư cụ mới.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định cho rằng, các tàu vỏ thép này hoạt động theo cơ chế luân phiên thu gom sản phẩm cá ngừ đại dương vào bờ trước 10 ngày đảm bảo chất lượng tươi sống. Công ty đã làm việc với Hãng hàng không VietNam Airlines về làm thủ tục một lần vận chuyển sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu sang tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.
"Chúng tôi đã ký kết hợp đồng kinh doanh với Công ty Kato Hitoshi General, đại lý độc quyền tại Nhật Bản. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ đưa cá ngừ đại dương vào bán tại các Trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản ở nước này góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân", bà Lan cho hay.
Ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General thông tin thêm, cá ngừ đại dương của Việt Nam chuyển đến thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không sẽ được đưa đến phiên chợ đấu giá, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ ngay trong ngày.
Tỉnh Phú Yên cũng đang hợp tác với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ CAS và thiết bị cấp đông công suất 500 kg mỗi giờ cho bà con ngư dân. Sản phẩm thủy sản được cấp đông bằng thiết bị này, sau khi rã đông được giữ tươi ngon như ban đầu.
"Chúng tôi chọn Công ty CP Bá Hải làm đầu mối hợp tác với Tập đoàn ABI giúp ngư dân tập huấn kỹ thuật bảo quản thủy sản hiện đại. Doanh nghiệp này cũng chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm thủy sản cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 15 đến 20%", ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết thêm.
Doanh nghiệp Bá Hải đang liên kết với ngư dân địa phương lập 6 tổ đội khai thác xa bờ (khoảng 50 tàu). Mỗi tổ đội từ 6 đến 12 tàu khai thác cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa. Từ nay đến năm 2015, Công ty lên kế hoạch đầu tư 3 tàu công suất lớn mua trực tiếp thủy sản từ tàu khai thác của ngư dân trên biển đưa về nhà máy chế biến.
"Chúng tôi đã ký hợp đồng với một số đối tác Nhật Bản cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm cá ngừ chế biến mỗi năm, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, châu Âu...thời gian tới", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Trí Tín