Tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với UBND thành phố về giám sát việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Phó chủ tịch UBND Lê Mạnh Hà cho biết, năm 2015 thành phố sẽ đẩy mạnh tiến độ thoái vốn, thực hiện hoàn thành trước kế hoạch đề ra và xem xét điều chỉnh tỷ lệ thoái phù hợp với tình hình thực tế tại các doanh nghiệp.
Trong quý một, các doanh nghiệp có kế hoạch thoái 856,1 tỷ đồng, quý II hơn 1.126 tỷ đồng, quý III khoảng 1.236 tỷ đồng và cuối năm gần 352 tỷ đồng.
Ông Hà cho biết, phần vốn thu được do việc thoái vốn này được sử dụng để tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh, các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghệp; tập trung vào đổi mới công nghệ, máy móc, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý của doanh nghiệp.
Lãnh đạo thành phố nhìn nhận năm 2014 kết quả thoái vốn còn thấp (đến 28/2/2015 mới thoái được hơn 647 tỷ đồng), do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng. Mặc khác, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, mức tăng trưởng thấp và thiếu ổn định trong khi nguồn cung cổ phiếu ra thị trường nhiều đã ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch thoái vốn của các tổng công ty.
Trong năm nay, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng tình hình có vẻ khởi sắc hơn. "Quan trọng là bán đúng giá thì thị trường ắt có người mua chứ không lo thừa cung", ông nói.
Theo kế hoạch giai đoạn 2013-2015, TP HCM sẽ cổ phần hoá 31 doanh nghiệp Nhà nước và sắp xếp lại 25 doanh nghiệp khác. Tính đến cuối năm 2014, thành phố đã cổ phần được 11/15 doanh nghiệp, kế hoạch năm 2015 sẽ cổ phần 21 doanh nghiệp.
Ngoài ra, 5 doanh nghiệp gồm Công ty Kỹ nghệ Vissan, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Công ty Dịch vụ công ích quận 9, Tổng công ty Công nghiệp in bao bì Liksin và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn dự kiến cũng sẽ được cổ phần hoá vào năm 2016.
Theo lãnh đạo thành phố, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn TP HCM cơ bản là tuân thủ đúng quyết định 37 của Chính phủ. Theo đó, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần bình quân 40,09%. Chỉ có một số cá biệt, đó là hai doanh nghiệp gồm Công ty phần mềm Quang Trung và Khu phát triển công nghệ cao phải do Nhà nước chủ trì vì đây là lĩnh vực mới mẻ và rất mạo hiểm nên không thể để doanh nghiệp tự làm.
Lệ Chi