Theo báo cáo "Thách thức tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam" vừa được Navigos Search công bố, không ít doanh nghiệp nước ngoài đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam.
Cụ thể, có 41% đơn vị tham gia khảo sát cho biết trong năm qua, họ không tìm đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình. Khi được hỏi lý do, đa số cho biết thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng từ các công ty cùng ngành. Điều này cũng khiến các công ty khó giữ chân nhân sự cấp quản lý.
Kỹ năng lãnh đạo của nhân sự người Việt cũng nhận được sự hài lòng thấp với 9%. Ngoài ra, lãnh đạo các công ty cũng không dễ dàng đưa ra quyết định tuyển dụng bởi trình độ tiếng Anh của nhân sự Việt khá hạn chế.
"Không thành thạo tiếng Anh ở đội ngũ này vẫn đang là một trở ngại trong việc hòa nhập với môi trường làm việc đa quốc gia", báo cáo nêu rõ. Đặc biệt, vào tháng 12 tới, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, cho phép tự do luân chuyển lao động 10 nước trong khu vực sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh với nhân sự cùng cấp đến từ các nước láng giềng, vốn có thế mạnh về tiếng Anh như: Singapore, Philipines, Thái Lan...
Dù vậy, nhân sự Việt cũng được các doanh nghiệp ghi nhận về tinh thần sẵn sàng học hỏi, làm việc chăm chỉ và khả năng giao tiếp. Để cải thiện trình độ, theo lãnh đạo các công ty, đào tạo là giải pháp hàng đầu. Theo đó, vừa học, vừa làm dưới sự giám sát của quản lý là hình thức đào tạo phổ biến và phù hợp với Việt Nam thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Navigos Search cho rằng việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao tại các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Theo bà, trước mắt, để giữ chân lao động các doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình liên quan thương hiệu nhà tuyển dụng, gắn kết nhân viên, trong đó lưu ý chính sách liên quan đến con người, không phân biệt giới tính và địa lý.
Trịnh Nguyên