Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp FDI
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 7%. Động lực chính tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - tăng 11,29%. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tăng cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Trong lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp tăng ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng và năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Theo đó, việc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp còn nhằm nâng cấp công nghệ phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.
Quá trình mở rộng đồng nghĩa với việc nâng công suất nhà máy. Theo quy trình, sau khi một doanh nghiệp xây dựng nhà máy cơ sở, vận hành có đánh giá tác động môi trường, hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về an toàn, sẽ tiếp tục thực hiện bước nâng cấp, mở rộng.
Trong xu thế đó, nhiều doanh nghiệp đã có phương hướng mở rộng quy mô đi cùng với việc đảm bảo vận hành hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Điển hình Samsung khi đầu tư vào Việt Nam đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất. Nhà máy đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam đặt tại tỉnh Bắc Ninh, hoạt động từ năm 2009 và mở rộng ngay sau đó, trước khi xây dựng thêm nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên.
Doanh nghiệp này cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam. Hiện tại, công suất hàng năm của hai nhà máy này vào khoảng 120 triệu điện thoại. Nhà máy thứ ba dự kiến có công suất 60-120 triệu điện thoại một năm. Samsung đóng góp tới 75% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh và 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hay Ford, "ông lớn" ngành công nghiệp ô tô cũng nâng công suất nhà máy tại Hải Dương từ 14.000 xe lên 40.000 xe một năm, tạo cơ hội việc làm, nâng tổng số lao động của công ty lên gần gấp đôi so với mức 700 hiện tại.
Ngành giấy cũng được đánh giá là có nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất, nhất là giấy bao bì. Tại Việt Nam, giấy bao bì chiếm gần 50% tổng tiêu thụ toàn ngành giấy. Theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong năm 2019, tiêu dùng giấy bao bì trong nước ước tính đạt sản lượng gần 4,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 0,8 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn.
Trong số gần 300 doanh nghiệp giấy đang hoạt động tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp có công suất sản xuất dưới 100.000 tấn giấy một năm, nguồn vốn, công nghệ hạn chế. Trong khi đó với nguồn lực lớn, kinh nghiệm và năng lực sản xuất đã được chứng minh ở thị trường quốc tế, các doanh nghiệp FDI đang tích cực nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mạnh cho hệ thống sản xuất và xử lý nước thải, đảm bảo yếu tố môi trường.
Sức bật cho nền kinh tế địa phương
Việc doanh nghiệp nâng công suất, mở rộng quy mô là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả và khả năng gắn bó lâu dài của doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Trong ngành giấy, Lee & Man là một trong những nhà máy giấy Hậu Giang có quy mô thuộc hàng lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là một trong ba nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn nhất nước, đạt 420.000 tấn một năm. Thế mạnh của doanh nghiệp này là sản xuất giấy bao bì chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Việc nhà máy giấy Lee & Man mở rộng sản xuất được cho là hướng đi phù hợp với bối cảnh kinh tế, nhu cầu thị trường lẫn tiềm lực của doanh nghiệp.
Nhà máy giấy Lee & Man cung cấp giấy bao bì chất lượng cao - loại giấy chiếm tỷ trọng tiêu dùng cao nhất hiện nay. |
VPPA nhận định, trong năm 2020, ngành bao bì giấy trong nước có nhiều cơ hội phát triển nhờ sự gia tăng nhu cầu sử dụng phục vụ đóng gói xuất khẩu. Tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực châu Á dự báo tăng trưởng lần lượt là 2,9% và 3,8%. Mặt khác, xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy có nhiều cơ hội vào thị trường ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại mới như CPTPP, Việt Nam - EU và các hiệp định phát triển sâu, toàn diện.
Trong đó, Lee & Man và các doanh nghiệp lớn khác sẽ góp phần lớn trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy bao bì ngày càng cao từ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Công ty sản xuất giấy Lee & Man được vinh danh top 100 doanh nghiệp bền vững hai năm qua, thể hiện tiềm năng mở rộng sản xuất của doanh nghiệp. |
Song song đó, việc đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn môi trường khi mở rộng quy mô sản xuất là vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý. Ông Patrick Chung - Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam cho biết công ty đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư nghiêm túc vào các công trình xử lý nước thải. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải xây dựng tại nhà máy giấy Hậu Giang là hệ thống hiện đại của ngành công nghiệp giấy trên thế giới, cho phép ngăn ngừa các tác động xấu đến môi trường. Nước thải của nhà máy sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao hơn chuẩn xả thải cho phép đối với ngành công nghiệp giấy.
Đứng trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, mở rộng sản xuất không còn là câu chuyện đảm bảo quy mô và chiến lược phát triển của riêng doanh nghiệp mà còn giúp địa phương và cả nước tăng sức bật về kinh tế.
Vũ Khánh