Theo tài liệu đại hội cổ đông, năm 2014 Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3% so với một năm trước. Không công bố lý do cụ thể về việc giảm mục tiêu lãi 2014, Vinamilk vẫn dự kiến doanh thu tăng 14,9% và đưa thêm kế hoạch đầu tư cho một số đơn vị khác.
Trong đó, doanh nghiệp này dự kiến dành 2.575 tỷ đồng để đầu tư cho các nhà máy, dự án. 984 tỷ đồng trong số này dự kiến giải ngân cho Vinamilk, còn lại là dành cho một số đơn vị khác như Bò Sữa Việt Nam, Lam Sơn Milk, Công ty Thống Nhất Thanh Hóa.
Theo đánh giá của bà Lương Thị Kim Chi – Chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS), mục tiêu lợi nhuận thận trọng tại Vinamilk năm nay có thể bắt nguồn từ những biến động bất lợi về giá cả nguyên vật liệu. Đây là yếu tố từng gây áp lực lên kết quả kinh doanh công ty từ những quý cuối năm trước. Tuy nhiên, bà Chi dự báo kết quả thực tế có thể ít nhất cũng tương đương như năm 2013.
Dù lãi 2013 vượt kế hoạch trước 5 tháng nhưng năm nay GAS vẫn đặt lợi nhuận giảm trên 30% so với năm ngoái. Ảnh: ANTĐ. |
Trường hợp xin giảm lợi nhuận của Vinamilk không phải ngoại lệ. Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc hàng blue-chip liên liếp trình cổ đông mục tiêu lãi 2014 thấp hơn năm ngoái từ một vài cho đến hàng chục phần trăm. Điển hình trong số này phải kể đến Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, Mã CK: GAS).
Năm 2014, mục tiêu lợi nhuận của PVGas giảm trên 30%, còn 8.616 tỷ đồng. Trong đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, đa số cổ đông PVGas đều cho rằng kế hoạch này không tương xứng với tiềm lực của đơn vị. “Hội đồng quản trị cần đưa ra kế hoạch cao hơn nữa để cho công ty phấn đấu thay vì giật lùi như thế này", một cổ đông phản ánh.
Ông Đỗ Khang Ninh - Tổng giám đốc PVGas khẳng định mục tiêu trên là hợp lý do nền kinh tế vẫn chưa thực sự khởi sắc, hoạt động các doanh nghiệp trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng. Nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai với tiến độ gấp, nhu cầu vốn cao, cần tập trung và huy động nguồn lực lớn mới đảm bảo tiến độ.
“Năm nay công ty không có thêm khách hàng mới, giá khí lại tăng cao, không có mỏ khí bổ sung vào hệ thống. Do vậy, sau khi xem xét nhiều yếu tố, công ty mới thống nhất đặt kế hoạch ở mức ổn định”, ông Ninh giải thích thêm.
Năm 2013, PVGas đạt 65.597 tỷ đồng doanh thu và vượt 18% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế là 12.595 tỷ đồng, cũng vượt 64% so với kế hoạch.
Tập đoàn Bảo Việt dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2014 đạt 1.183 tỷ đồng, chỉ bằng 96% mức thực hiện năm ngoái. Còn Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) đặt mục tiêu lãi sau thuế giảm 8,6% so với mức thực hiện cả năm 2013. Tổng Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã CK: DPM) lại có mục tiêu lợi nhuận giảm hơn 50%, xuống còn 1.219 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Đạm Phú Mỹ - ông Cao Hoài Dương cho biết, việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận được tính theo giá khí 6,69 USD trên một triệu BTU. Kế hoạch này là một thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn, ông Dương bày tỏ.
Ngay cả giới ngân hàng cũng thận trọng khi lên kế hoạch lãi năm nay. Trong đó, Ngân hàng cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) cũng chỉ kỳ vọng đạt lợi nhuận 265 tỷ đồng trước thuế, giảm 34% so với năm 2013. Còn Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CK: CTG) đặt mục tiêu tổng tài sản 640.000 tỷ đồng, tăng 11%; dư nợ tín dụng tăng 13%, huy động vốn tăng 12% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 6,1% so với 2013 và đạt 7.280 tỷ đồng.
Đa số các lãnh đạo nhà băng đều đặt mục tiêu lợi nhuận giật lùi là do kinh tế tiếp tục khó khăn. Nguồn thu nhập lớn nhất của các đơn vị này từ hoạt động tín dụng vẫn đang còn bấp bênh.
Dù vậy, nhìn chung nếu hoàn thành hoặc thậm chí vượt chỉ tiêu, đa phần lãnh đạo các doanh nghiệp đều được nhận thưởng một phần trích từ số lợi nhuận dôi ra. Theo nghị quyết đã được cổ đông thông qua, trong trường hợp hoàn thành nhiệm vụ, các lãnh đạo PVGas sẽ được thưởng 2-6 tháng lương tùy theo chức danh đảm nhiệm. Còn tại Công ty cơ điện lạnh, các lãnh đạo như tổng giám đốc hay giám đốc điều hành có thể nhận khoản tiền thưởng tương đương 15% phần lợi nhuận sau thuế vượt so với thực tế.
Đánh giá về kế hoạch kinh doanh trên, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2014 chưa thể gọi là “đột phá”. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các khối sản xuất, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản bước đầu đã có những tiến triển về tiêu thụ hàng tồn đọng nhưng vẫn chủ yếu ở phân khúc tầm trung và thấp, nhu cầu tiêu thụ các loại dịch vụ chưa cao.
“Trong bối cảnh còn nhiều điểm chưa rõ ràng, các doanh nghiệp cũng sẽ thận trọng hơn khi đặt ra mức lợi nhuận dự kiến. Vì vậy, khó có thể coi việc giảm chỉ tiêu lợi nhuận là hình thức để các lãnh đạo tìm cách nhận thêm lương, thưởng vào cuối năm”, CEO ACBS cho biết.
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đạt Chí cho rằng, kinh tế chưa hẳn đã phục hồi nhưng dần ổn định, việc các ông lớn trên sàn đặt kế hoạch tăng trưởng âm là quá thận trọng. Họ đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận giảm có thể là cách để bộ máy lãnh đạo phòng thủ, nhằm bớt áp lực hoàn thành chỉ tiêu. Do đó, để hiểu rõ về kế hoạch của doanh nghiệp cũng như biết được kế hoạch đó có tương xứng với sức khỏe của doanh nghiệp hay không, trong các buổi họp đại hội cổ đông bàn về kế hoạch kinh doanh, nhà đầu tư nên yêu cầu doanh nghiệp đưa ra những thông tin chi tiết nguyên nhân giảm kế hoạch lợi nhuận, chiến lược đầu tư, chi phí marketing, chi phí cho bộ máy lãnh đạo một cách cụ thể.
Hồng Châu - Tường Vi