Cuối tháng 7/2024, đoàn doanh nghiệp thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) có chuyến làm việc với các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Cần Thơ. Trong hai ngày, các doanh nghiệp đã dành thời gian thực địa khảo sát về tiềm năng của cỏ năn tượng và gỗ Acasia khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Lam Sơn, Ủy viên Ban chấp hành HAWA nhận xét đây là hai nguồn nguyên liệu bền vững, nếu khai thác tốt sẽ trở thành thế mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ Việt Nam.
Theo ông Sơn, nguồn nguyên liệu từ đồng bằng sông Cửu Long rất tiềm năng. Chỉ riêng cỏ năn tượng, với khả năng cung ứng của vùng có thể lên đến 1 triệu ha. Với vòng quay bốn tháng, ba vòng lặp mỗi năm, vùng có thể cung ứng 10 triệu tấn/năm. Trồng trên đất đồng bằng, nguyên liệu này dễ có được chứng chỉ FSC, đáp ứng các tiêu chí thỏa thuận EUDR thuận lợi.
Sau sản phẩm thủ công mỹ nghệ, năn tượng hoàn toàn có thể ứng dụng kết hợp với gỗ để làm nội thất hoặc sản xuất viên nén, bột giấy... "Nguồn nguyên liệu bền vững này trị giá hơn 9 tỷ USD", ông Sơn nói.
Phát triển ứng dụng cỏ năng tượng và gỗ Acasia vào sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu là một trong những dự án trọng điểm mà HAWA sẽ theo đuổi trong thời gian tới. Ông Phùng Quốc Mẫn, tân Chủ tịch HAWA nhiệm kỳ IX cho biết, đơn vị xác định mục tiêu chiến lược là tự cường trên chuỗi cung ứng.
Bên cạnh chủ động nguồn nguyên liệu bản địa, bền vững, các doanh nghiệp trong ngành sẽ theo đuổi mục tiêu tự chủ nguồn lực, nâng cao năng suất đội ngũ lao động, thu hút thế hệ trẻ, tự chủ sáng tạo, phát triển thiết kế, từ OEM đến ODM (từ nguyên liệu bản địa đến thiết kế gốc), tự chủ cung ứng, xúc tiến đưa sản phẩm Việt Nam đi xa hơn thông qua mô hình D2C, kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, hội còn mong muốn phát triển nội thất Việt thông qua việc xây dựng thương hiệu, marketing và tự chủ công nghệ, triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Thông điệp này được ông Mẫn đưa ra tại Đại hội Đại biểu Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, diễn ra chiều ngày 8/8, được các doanh nghiệp trong ngành đồng tình và hưởng ứng.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhiệm kỳ VIII, nhà sáng lập thương hiệu AA Corporation, phân tích, trên chuỗi giá trị, ngành nội thất Việt Nam hiện đã hội tụ với đầy đủ các thành tố, từ trồng rừng, khai thác sơ chế nguyên liệu, sản xuất, chế biến, nguyên phụ liệu, công nghiệp phụ trợ, hệ thống doanh nghiệp sản xuất vệ tinh...
"Các doanh nghiệp nội thất đã có được hệ sinh thái hoàn chỉnh. Nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện này mà nhiều năm liền, ngành gỗ tăng trưởng hai con số, là một trong những ngành xuất siêu của Việt Nam. Đây thực sự là thế mạnh hiếm có", ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, trên nền tảng đã có, việc đào sâu thêm sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nhận được giá trị tốt hơn, ngành nội thất Việt Nam cũng sẽ cải thiện được vị thế tốt hơn trên trường thế giới. Để làm được điều này, ngành gỗ sẽ phải chú trọng các mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng hàm lượng thiết kế, kêu gọi được sự tham gia của thế hệ trẻ và cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, AI và cam kết theo đuổi mục tiêu Netzero.
Số liệu từ Cục lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023.Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng cục Lâm nghiệp, kết quả này đến từ việc nhu cầu của các thị trường chính như Mỹ, EU và Trung Quốc tăng mạnh trở lại, trên 20%.
Với tình hình sản xuất hiện nay, xuất khẩu lâm sản cả năm 2024 có thể đạt trên 16 tỷ USD, vượt kế hoạch xuất khẩu dự kiến của ngành là 15,2 tỷ USD (5.3%).
(Nguồn: Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM)