Bão Yagi, mưa lũ và sạt lở tại các tỉnh, thành phía Bắc gây thiệt hại về người, tài sản. Tổn thất mà nó gây ra cho các địa phương lên tới hơn 60.000 tỷ đồng và năm nay GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản trước đó.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng. Các tài sản có giá trị lớn như nhà xưởng, tàu thuyền, máy móc thiết bị, hàng hóa... đều hư hỏng nặng. Chưa kể, phần lớn doanh nghiệp tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp khi phải đóng cửa, ngừng hoặc giảm sản xuất trong thời gian bão lũ.
"Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, sinh kế của người dân, lao động", VCCI đánh giá.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR, thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng doanh nghiệp cần thời gian nhất định để phục hồi hoàn toàn. Song, vấn đề cần quan tâm là chính sách hỗ trợ thế nào, thứ hạng ưu tiên ra sao khi nhiều thành phần kinh tế cùng lúc bị tác động.
An sinh cho người lao động là vấn đề lưu tâm hàng đầu, theo TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính). Ông cho rằng chính quyền cần có giải pháp dài hạn nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, lao động.
Cụ thể hơn, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nói ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho lao động trong 3-6 tháng.
"Cơ quan quản lý cần kiểm soát giá cả mặt hàng thiết yếu, không để khan hàng, tăng bất hợp lý khiến người dân thêm khó khăn. Thậm chí, giá điện, y tế, giáo dục cần điều chỉnh để giảm tối đa chi phí", ông nói thêm.
Các chuyên gia lưu ý về những tổn thương của lĩnh vực nông nghiệp và cho rằng cần có ưu tiên hỗ trợ khu vực này. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khoảng 190.358 ha lúa và 48.720 ha hoa màu bị ngập úng; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hỏng, cuốn trôi. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho nông, ngư dân ở các vùng nơi cơn bão đi qua.
"Đây là khu vực quan trọng tạo ra sinh kế bền vững, thu hút lượng lao động, nhiều hộ nghèo tham gia. Do đó, nhà chức trách phải dành nguồn lực ngân sách lớn để cứu trợ, sau đó là phục hồi sinh kế cho họ", TS Nguyễn Quốc Việt góp ý.
Ông Tô Hoài Nam đề nghị Nhà nước miễn tiền thuê đất 3-5 năm cho doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng. Cùng với đó, chính sách ưu đãi với doanh nghiệp FDI cần tính tới việc khuyến khích họ mua nguyên liệu từ vùng bị thiệt hại. "Cơ chế khuyến khích có thể là giảm thuế VAT với các mặt hàng này", ông đề xuất.
VCCI cũng khuyến nghị tăng tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản, miễn tiền thuê mặt nước, phí ra vào cảng biển, sử dụng vị trí neo đậu... đến một năm. Hoặc Nhà nước hỗ trợ 50-70% phí mua bảo hiểm cho các tàu cá, du lịch đến hết 2025.
Ngoài các địa phương nơi tâm bão đi qua, ông Tô Hoài Nam còn nhắc tới chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản xuất, chịu ảnh hưởng gián tiếp. Bởi, doanh nghiệp cung cấp đầu vào là nông, thủy sản tại các tỉnh phía Bắc gặp khó sẽ lan tới cả chuỗi, gồm đơn vị đầu ra ở TP HCM, Đà Nẵng.
Sau bão, nhiều người dân, doanh nghiệp dễ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Nhiều người trở lên trắng tay, không có tiền để hoạt động trở lại. Một số khác nặng gánh với khoản nợ treo ở ngân hàng trong khi tài sản đảm bảo đã hư hại, bị bão lũ cuốn trôi. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thống kê từ 20 địa phương số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ.
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và các tổ chức tài chính cần có các gói cho vay lãi suất thấp hoặc 0%. "Để phục hồi kinh doanh, ai cũng nghĩ tới nguồn vốn", TS Nguyễn Quốc Việt nói, đánh giá yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới việc tái thiết sau thiên tai.
Với các khoản vay cũ, ông Việt cho rằng ngân hàng cần đánh giá lại, dựa theo từng đối tượng cụ thể để khoanh nợ. Sau đó, ngành ngân hàng có cơ chế để đối tượng bị thiệt hại được cấp kinh phí mới, đảm bảo khả thi để tái thiết.
Ngoài ra, chuyên gia khuyến nghị các chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), thuế đất. Việc trợ cấp một phần chi phí tái thiết, sửa chữa cũng cần thiết để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Những chính sách khác về thị trường, lao động cũng được các chuyên gia đề cập tới, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Chi tiết hơn, VCCI đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT với xăng dầu từ 10% xuống 8% trong 3 tháng cuối năm nay cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở địa phương chịu thiệt hại, đặc biệt vùng núi.
Một chuyên gia khác còn cho rằng thực tế có nhiều người bị mất nhà cửa, thu nhập. Nhiều doanh nghiệp chưa thể khôi phục sản xuất, nguy cơ thua lỗ sẽ không phải nộp thuế. Do đó, Chính phủ có thể tính tới hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp, thay vì chỉ miễn, giảm thuế.
Tuy vậy, các chuyên gia cùng cho rằng dù chính sách gì thì việc quan trọng là phải thực hiện ngay, nhanh để đạt hiệu quả tốt nhất. Hơn nữa, các thủ tục, điều kiện cần rõ ràng, đơn giản để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Tuần trước, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão phải "nhanh, trực tiếp" và thực hiện trong tháng 9, 10. Nguồn lực hỗ trợ được huy động cần được phân bổ hợp lý, chống thất thoát và trục lợi.
Về phía các doanh nghiệp, chuyên gia khuyên họ nên dự phòng trước bối cảnh nhiều đợt bão có thể xảy đến trong thời gian tới. Chưa kể, Thái Lan, Lào hay một loạt tỉnh như Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc bị tác động bởi thiên tai sẽ gây thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu hoặc tăng chi phí vận chuyển. "Đây là yếu tố mà các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu cần tính tới trong trung, dài hạn", ông Việt nói thêm.
Phương Dung
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.