Yêu cầu này được Chính phủ nêu tại Nghị quyết 143 ngày 17/9. Theo đó, Chính phủ yêu cầu nguồn lực hỗ trợ được huy động cần được phân bổ hợp lý, chống thất thoát và trục lợi.
Bộ ngành, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng trong tháng 9 và 10. Một số chính sách cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài đến hết 2025.
"Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, hiệu quả và trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng", Chính phủ nêu quan điểm.
Chính phủ cũng lưu ý Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành dừng thanh, kiểm tra tại các địa phương để họ tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Cũng theo Nghị quyết, mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân, an sinh xã hội và khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, kinh doanh. Việc này nhằm giữ đà tăng trưởng kinh tế, phục hồi của các địa phương.
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8-7%. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các công ty bảo hiểm rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường cho các khách hàng bị ảnh hưởng.
Ngân hàng Nhà nước được giao báo cáo Thủ tướng trong tháng 9 về phân loại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại. Các tổ chức tín dụng tính phương án hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại. Các nhà băng cũng cần xây dựng chương trình tín dụng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi phù hợp để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương được giao đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng. Cơ quan này cũng cần nghiên cứu áp giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng với sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy nhanh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách. Bảo hiểm Xã hội nghiên cứu gia hạn nộp với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại.
Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025, theo yêu cầu của Chính phủ.
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa hôm 7/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Theo ước tính, các địa phương chịu thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, khiến GDP năm nay giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. GRDP năm nay của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
Thống kê của ngành ngân hàng từ 20 địa phương số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng. Những ngày qua, các nhà băng hiện đưa ra một số chính sách ưu đãi giảm lãi suất vay 0,5-2% cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận 9.000 vụ thiệt hại tài sản và xe cơ giới với tổng yêu cầu bồi thường 7.000 tỷ đồng, tính tới ngày 12/9.
Phương Dung
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.