Chia sẻ trong talkshow Nguy - Cơ, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, khi làn sóng thứ tư ập tới, các công ty nước ngoài ở Việt Nam và các công ty Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngành du lịch trong nước mới phục hồi đã nhanh chóng bị bóp nghẹt. Covid-19 cũng ảnh hưởng đến các công ty sản xuất. Nhiều công ty không thể duy trì hoạt động, hoặc nếu có thể duy trì theo mô hình bong bóng cũng tốn kém, phức tạp.
Dưới góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, ông Jonathan Moreno - Tổng giám đốc Diversatek Việt Nam cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi phải chi hơn gấp đôi số tiền để sản xuất ra 50% sản lượng. Nhiều công ty khác còn không hề sản xuất mà chỉ làm việc để đảm bảo tinh thần nhân viên khi phải ở lại công ty 24/24".
Hiện tại, doanh nghiệp này vẫn cho nhân viên xét nghiệm hai lần một tuần. Nhưng số lượng xét nghiệm phải thực hiện cùng việc duy trì giãn cách xã hội, đảm bảo không có lây lan. Nhiều thành viên AmCham khác trong lĩnh vực sản xuất cũng gặp phải những vấn đề tương tự.
Theo bà Mary, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhờ những quyết sách của chính quyền các địa phương để điều chỉnh cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Nhiều công ty FDI Mỹ tại Việt Nam đã hoạt động trở lại với gần 100% công suất.
Nhiều y bác sĩ và nhà cung cấp dịch vụ y tế Mỹ đã hợp tác với đội ngũ bác sĩ tại các địa phương làm xét nghiệm trong các đợt tiêm chủng đầu tiên. Các công ty thành viên AmCham đã tích cực hoạt động để đưa các loại vaccine về Việt Nam. Một trong những công ty thành viên khác của đơn vị này có gần 600 hiệu thuốc bán lẻ trên toàn quốc, đi đầu trong việc cung cấp khẩu trang và nước rửa tay, sau đó là bộ test nhanh cho người dân.
Việc người lao động ồ ạt về quê cũng là thách thức với các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, Diversatek Việt Nam có nhiều lao động hơn trước nhờ những chính sách chăm sóc, hỗ trợ nhân viên. Dù vậy, doanh nghiệp này đang đối mặt với những khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận chuyển hiện cũng tăng gấp 4-5 lần so với một năm trước.
Ông Jonathan hiện đảm nhiệm cùng lúc hai nhiệm vụ: giám sát quá trình sản xuất ở Việt Nam và theo dõi doanh số bán của công ty ở thị trường quốc tế. "Khách hàng quốc tế liên tục 'khủng bố' tài khoản Whatsapp của tôi, vì họ cần thứ gì đó ngày hôm qua, nhưng không hiểu chúng tôi phải nỗ lực để đưa sản phẩm đến họ", ông Jonathan nói. Chìa khóa để vượt qua giai đoạn này, theo ông Jonathan là sự kiên trì, bởi các bên đều đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất.
Triển vọng đầu tư tại Việt Nam
Theo Ngân hàng Thế giới, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng năm 2021, số vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD. Trong đó, lượng thành viên AmCham vẫn tiếp tục tăng. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất, bởi các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Vị chuyên gia từ AmCham đồng thời đánh giá cao cơ hội trong các lĩnh vực nội thất, giày dép, may mặc, công nghệ, năng lượng tái tạo, điện khí LNG, tiêu dùng, y tế, hạ tầng hàng không; công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế...
Trong Covid-19, AmCham và các nhà lãnh đạo tình nguyện của đã làm việc 24/7 để giúp đỡ các công ty thành viên. "Tổng giám đốc của các nhà máy còn nằm ngủ trên sàn nhà cùng với các đội nhóm để duy trì hoạt động kinh doanh", bà Mary cho biết.
Đóng vai trò là tiếng nói của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, AmCham cho biết đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để cập nhật tin tức cho Chính phủ Mỹ về những thách thức mà các công ty thành viên đang phải đối mặt. Đơn vị đã tổ chức một số sự kiện trực tuyến với các lãnh đạo từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Hội đồng An ninh Quốc gia, cũng như với cố vấn của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi bà đến Việt Nam. AmCham cũng tham gia cuộc họp cấp cao với Chính phủ Việt Nam, trong đó có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ và nhiều công ty thành viên vào đầu tháng 9. Đồng thời, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng có nhiều cuộc họp ngay tại TP HCM với lãnh đạo nhiều tỉnh trong cả nước, nhằm chia sẻ tâm tư nguyện vọng, các kiến nghị, các giải pháp của các thành viên AmCham.
"Tôi nghĩ rằng cả Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ đều lắng nghe và tiếp thu những tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp. Những thách thức mà các doanh nghiệp thành viên gặp phải tại Việt Nam là lý do rất quan trọng để thuyết phục Chính phủ Mỹ tài trợ thêm vaccine cho Việt Nam", nữ đại diện cho biết.
Chính phủ Việt Nam đã chú trọng đến những mối quan ngại của các doanh nghiệp thành viên AmCham, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các quốc gia khác, và cố gắng điều chỉnh các chính sách để đạt được những mục tiêu kép là bảo vệ cuộc sống và sinh kế của mọi người.
Một trong những ý kiến cụ thể mà AmCham đã đề xuất và được Chính phủ hỗ trợ là các mô hình bong bóng như một giải pháp tạm thời. Đơn vị cũng làm rõ với Chính phủ rằng những mô hình này không bền vững. Các doanh nghiệp cần đảm bảo các công nhân được tiêm vaccine và xét nghiệm thường xuyên để có thể đi lại từ nhà đến nhà máy. Khi đó, họ sẽ không cần phải ở lại nhà máy hay ở lại các nhà nghỉ và sống xa gia đình trong thời gian dài.
"Tôi nghĩ Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe chúng tôi. Khi có nhiều vaccine về Việt Nam, Chính phủ đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong các nhà máy. Điều đó có lợi cho các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cũng như nền kinh tế", bà Mary nói.
Vấn đề kế tiếp mà AmCham đã nêu ra liên quan đến vận chuyển hàng hóa và hành khách liên tỉnh, vì nó kìm hãm chuỗi cung ứng trong nước. Việt Nam đã lắng nghe và có nhiều nỗ lực để các tỉnh hợp tác với nhau, để người lao động sống ở tỉnh này và làm việc ở tỉnh khác có thể đi lại một cách an toàn, thuận tiện.
Những cuộc đối thoại thường xuyên với Chính phủ cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. "Năm ngoái, có những lúc mà chúng tôi vừa đề xuất một ý kiến, và Chính phủ đã phản hồi luôn vào ngày hôm sau. Tôi nghĩ rằng tốc độ tương tác như thế đã dẫn đến những kết quả tích cực một cách nhanh chóng", ông Jonathan nói. "Việt Nam có nhiều chính sách thu hút đầu tư. Nhiều chính sách thường xuyên được cải thiện. Trong tương lai, đây thậm chí còn là một điểm đầu tư lý tưởng. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đánh giá rất tích cực về Việt Nam".
Đánh giá về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, đại diện AmCham cho biết, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Việt Nam có vị trí thuận lợi về mặt địa lý, gần với các quốc gia sản xuất và các điểm đến của người tiêu dùng.
Việt Nam có mạng lưới các hiệp định thương mại tự do toàn cầu, được hưởng lợi từ lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ. Chính phủ Việt Nam tiếp cận cởi mở với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. "Việt Nam có những cơ hội đáng kinh ngạc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ, khởi nghiệp chỉ vừa mới đạt đến giới hạn mà tôi dự đoán. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ thực sự đi đầu trong lĩnh vực này ở khu vực cũng như thế giới", bà Mary nhận định.
Hoài Phong