McDonald’s và Starbucks sắp mở thêm hàng trăm cửa hàng mới tại Trung Quốc. Các hãng bán lẻ Ralph Lauren và Tapestry chuẩn bị ra mắt các cơ sở mới. Các hãng chế biến thịt Tyson Foods và Hormel Foods cũng tăng hiện diện tại đây khi nhận thấy nhu cầu thức ăn kiểu Mỹ tăng lên.
Các khoản đầu tư này được công bố trong bối cảnh giới chức Trung Quốc cam kết mở cửa với các doanh nghiệp ngoại. Nước này gần đây mới gỡ bỏ chính sách Zero Covid – nguyên nhân khiến kinh tế tăng trưởng chậm nhất nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn đang thận trọng với Trung Quốc, vì lo ngại Covid-19 và mâu thuẫn Mỹ - Trung. Quan hệ hai nước gần đây xấu đi do xung đột tại Ukraine và việc khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ.
Các công ty Mỹ cũng bị giám sát chặt hơn tại quê nhà nếu có thương vụ ở Trung Quốc. Washington nhiều năm qua đã hạn chế hoạt động của một số doanh nghiệp tại đây, từ sản xuất chip đến hàng dệt may. Việc này khiến nhiều công ty vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, từ Apple đến Steve Madden, phải đa dạng hóa nguồn cung.
Các công ty tăng hiện diện tại Trung Quốc chủ yếu thuộc nhóm hàng tiêu dùng. Họ vẫn coi Trung Quốc là thị trường khổng lồ, có tiềm năng lớn trong dài hạn, dù doanh số lao dốc trong thời kỳ nước này phong tỏa.
"Tôi tự tin hơn bao giờ hết là chúng ta vẫn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển ở Trung Quốc", Howard Schultz – CEO tạm quyền của Starbucks cho biết hồi đầu tháng. Họ có kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng mới tại đây năm 2025, dù doanh số các cửa hàng giảm 42% trong tháng 12 và 15% trong tháng 1 so với năm trước đó. Schultz cũng có kế hoạch đến đây lần đầu tiên sau nhiều năm.
Kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng tăng tốc, bất chấp lo ngại về việc các nước phương Tây tăng trưởng chậm lại. Tháng trước, Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, từ 5,2% lên 5,5%. Nhiều số liệu chủ chốt về tiêu dùng trong tháng 1 cũng cho thấy có sự cải thiện đáng kể.
Cuối tháng 1, McDonald’s thông báo đã mở 700 cửa hàng mới tại Trung Quốc năm ngoái và đang lên kế hoạch mở thêm 900 nữa năm nay. Con số này nhiều hơn tất cả quốc gia khác và cao hơn gấp đôi kế hoạch tại Mỹ.
CEO Ralph Lauren Patrice Louvet cũng cho biết trước các nhà đầu tư rằng phần lớn cửa hàng mở mới trong giai đoạn tháng 8-10/2022 là ở Trung Quốc. Gần đây, họ còn mở cửa hàng mới ở Thâm Quyến và một cửa hàng lớn ở Thành Đô.
Lĩnh vực xa xỉ tại Trung Quốc cũng đang phát tín hiệu hồi sinh sau đại dịch. Cả Burberry và Richemont đều ghi nhận doanh số tại Trung Quốc bắt đầu tăng tốc đầu năm nay.
Tháng 11/2022, Tyson Foods cho biết trong 6 nhà máy mới dự kiến hoạt động năm nay, một nửa sẽ ở Trung Quốc. China Daily tháng trước đưa tin Hormel ký thỏa thuận xây nhà máy gần 15 triệu USD tại Thượng Hải.
Hà Thu (theo Wall Street Journal)