Theo Standard & Poor’s, tận dụng lãi suất thấp kỷ lục, doanh nghiệp Mỹ trung bình đã vay hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm giai đoạn 2012-2014. Với số tiền này, các doanh nghiệp đã dễ dàng chi hàng tỷ USD cho những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn cũng như để trả cổ tức cho giới đầu tư. Kết quả là, thị trường chứng khoán nhanh chóng thoát khỏi đáy năm 2009.
Nửa đầu năm 2015, họ đẩy mạnh hoạt động vay vốn thông qua việc phát hành trái phiếu. Số lượng trái phiếu được phát hành bởi những công ty blue-chip như Apple, Comcast, Exxon và Boeing, đã tăng vọt gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số lượng trái phiếu rác (rủi ro cao) do các công ty không được xếp hạng "có thể đầu tư" phát hành cũng tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, việc FED nâng lãi suất hay thắt chặt điều kiện cho vay sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với xu hướng vay nợ ồ ạt gần đây. Nhà đầu tư có thể sẽ nhận ra mặt trái của tín dụng giá rẻ.
Trong khi giới đầu tư đánh cược rằng FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 12/2015, các chuyên gia kinh tế và phân tích lại nghiêng về lựa chọn tháng 9. "Ngày càng có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy, chúng ta đang tiến gần tới thời điểm FED nâng lãi suất", chiến lược gia Hans Mikkelsen tại Bank of America Merrill Lynch cho biết.
Nợ doanh nghiệp tăng mạnh đã khiến sức khỏe nền kinh tế Mỹ tồi tệ hơn rất nhiều. Hệ số nợ trên doanh thu năm của các doanh nghiệp có xếp hạng đầu tư cao đã tăng lên 2,62 - cao nhất kể từ năm 2002, Bank of America cho biết. Ngay cả khi loại trừ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đà lao dốc của giá hàng hóa, đòn bẩy tài chính vẫn ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Moody’s and S&P đều cho rằng, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ sớm vỡ nợ trong những năm tới khi FED nâng lãi suất. Theo dự báo, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ có rủi ro tín dụng cao bị vỡ nợ sẽ chạm mức 2,9% cho đến tháng 6/2016, gần gấp đôi năm 2013. Danh sách những doanh nghiệp bị xếp hạng từ B3 (mức xếp hạng đầu tư thấp nhất) trở xuống của Moody’s với triển vọng tiêu cực đã lần đầu tiên vượt 200 kể từ tháng 7/2010.
"Chất lượng tín dụng ngày càng giảm trong 3 năm trở lại đây. Số doanh nghiệp bị xếp hạng yếu kém hiện cao hơn nhiều so với trước đây", nhà phân tích Bill Wolfe tại Moody's cho biết.
Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, như Goodrich Petroleum, Midstates Petroleum, hay SandRidge Energy, cũng theo đó xuất hiện nhiều hơn trong danh mục "rủi ro" của Moody's. Ngay cả những doanh nghiệp nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực khác, như Weight Watchers, Toys R Us, Sears, hay Advanced Micro Devices cũng không ngoại lệ.
Giới đầu tư đang tập trung vào những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và vật liệu - những lĩnh vực nhạy cảm với đà lao dốc của hàng hóa và tin tức FED nâng lãi suất. "Một số ngành như khoan, kim loại và khai thác có thể sẽ vẫn chịu áp lực do tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi suy yếu, đặc biệt là Trung Quốc", ông Mohit Mittal - một giám đốc tại Quỹ đầu tư Pimco cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chiến lược gia và giới đầu tư lại lạc quan cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp vỡ nợ sẽ thấp hơn nhiều giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dẫu vậy, khả năng doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu mới vẫn là một mối lo ngại lớn.
"Có lý do để tin rằng, một khi FED tăng lãi suất, các thị trường sơ khai sẽ ít sôi động hơn cả về quy mô của các thương vụ lẫn mức lãi suất doanh nghiệp sẽ phải trả sau khi vay vốn", ông Mikkelsen nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như nhau. Những hãng năng lượng đang ngập trong nợ nần có thể sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chiến lược gia Eric Gross tại Barclays chỉ ra rằng, mối quan tâm của những hãng năng lượng bị xếp hạng yếu kém không phải là họ sẽ phải trả lãi suất 7% hay 9%, mà là “có vay được vốn hay không”.
Ngược lại, phần lớn những doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư với triển vọng ổn định, chắc chắn vẫn có thể tham gia vào thị trường nợ khi FED nâng lãi suất. Khi đó, mối quan tâm duy nhất của giới đầu tư chỉ là tác động của lãi suất lên chính sách M&A, chia cổ tức và những trở ngại trong hoạt động mua lại cổ phiếu.
Marc Zenner – giám đốc cấp cao tại JPMorgan, cho rằng, tăng lãi suất sẽ không phải là vấn đề khó khăn với phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt nếu kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện và doanh thu các công ty ổn định. Thậm chí, các doanh nghiệp Mỹ còn tăng cường mua lại cổ phiếu nhằm tạo ra nhiều dòng tiền hơn, ông Zenner dự đoán.
Ngoài năng lượng và vật liệu, dược phẩm - y tế có thể sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi FED nâng lãi suất. Đây vốn là mảng có nhiều thương vụ sáp nhập lớn trên thị trường.
Đầu năm 2015, Fitch hạ triển vọng đối với ngành này từ ổn định xuống tiêu cực. Hãng cho rằng việc nới lỏng các quy định khi tham gia thị trường nợ đã đẩy giá trị các thương vụ M&A lên cao. Vì vậy, ngành dược phẩm - y tế có thể sẽ gặp khó khi FED tăng lãi suất.
Dù vậy, tăng lãi suất có thể sẽ khiến các doanh nghiệp hành động có trách nhiệm hơn sau khi đua nhau vay vốn trong vài năm gần đây, Monica Erickson – Giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ trái phiếu DoubleLine.
"Tình hình có thể sẽ tốt hơn nếu FED nâng lãi suất và các doanh nghiệp hành động có kiểm soát hơn. Số lượng các thương vụ M&A, mua lại cổ phiếu và chia cổ tức có thể giảm xuống và các doanh nghiệp có lẽ sẽ phát hành ít trái phiếu đi", ông Erickson nói.
Kim Dung (theo FT)